Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đắk Nông gặp khó trong giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyễn Thị Hiền PV 02/12/2024 13:32

Dù đạt được nhiều kết quả ghi nhận nhưng việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, nhất là liên quan giải ngân nguồn vốn.

Đắk Mil thiếu vốn đối ứng

Giai đoạn 2022-2024, triển khai 3 chương trình MTQG, bộ mặt nông thôn huyện Đắk Mil có nhiều đổi mới nhờ vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình MTQG của Trung ương và vốn đối ứng của địa phương.

Cơ sở hạ tầng giao thông đã được cải thiện rõ rệt, với tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa đạt mức cao. Cụ thể, 77% đường huyện, 98% đường xã, 87% đường đô thị và 92% đường thôn đã được hoàn thiện. Đây là những chỉ tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, thương mại và dịch vụ, cũng như hỗ trợ quá trình đô thị hóa tại các khu vực trung tâm.

Thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Mil cũng đã tăng lên, đạt mức 69,64 triệu đồng/năm. Lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa, giảm nghèo có nhiều tiến bộ đáng kể.

img_0748.jpg
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát thực tế việc triển khai dạy nghề tại huyện Đắk Mil, một trong những nội dung thuộc chương trình MTQG

Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng cho biết, mặc dù huyện đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề giải ngân nguồn vốn và thực hiện vốn đối ứng. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đến nay mới chỉ đạt 62,9% kinh phí được giao. Huyện đang phải thực hiện vốn đối ứng theo tỷ lệ 1:1 và đã nỗ lực huy động nguồn lực, lập kế hoạch đối ứng. Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc áp dụng các quy định liên quan đến Luật Đất đai, nguồn thu từ sử dụng đất trong năm 2023-2024 không đạt như mong đợi. Dù đã cố gắng khắc phục nhưng nguồn thu từ đất chưa đủ để bảo đảm cho việc đối ứng vốn cho các chương trình MTQG.

Mới giải ngân được 54,8%

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông được giao thực hiện 3 chương trình MTQG bao gồm: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn cho các chương trình MTQG trong 3 năm từ 2022 đến 2024 là 3.065 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư 2.115 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 943 tỷ đồng.

Tính đến ngày 14/11, Đắk Nông giải ngân vốn 3 chương trình MTQG trên 1.679 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch đề ra, bao gồm cả nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang, một con số thấp hơn so với kỳ vọng. Trong tổng số vốn giải ngân, vốn đầu tư đạt 1.293 tỷ đồng, tương đương 61,3% kế hoạch; vốn sự nghiệp chỉ giải ngân được 268 tỷ đồng, chiếm 28,2% so với kế hoạch, cho thấy một sự chênh lệch đáng kể trong tiến độ giải ngân giữa 2 loại vốn.

img_2845.jpg
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông giám sát thực tế tại huyện Tuy Đức về việc triển khai các dự án trên địa bàn

Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải ngân vốn đầu tư nhưng việc giải ngân vốn sự nghiệp còn gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là do khó khăn trong huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Theo báo cáo, tổng số vốn đối ứng cần bố trí trong 3 năm 2022-2024 là trên 586 tỷ đồng nhưng đến nay tỉnh mới chỉ bố trí được trên 502 tỷ đồng. Điều này dẫn đến tình trạng một số dự án đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được quyết toán, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của các chương trình​.

Một trong những nguyên nhân chính nữa khiến tiến độ giải ngân các chương trình MTQG tại Đắk Nông chậm trễ là do các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính và cơ chế phân bổ vốn. Điển hình như trong quá trình triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, việc xác định đối tượng thụ hưởng đúng và nhanh chóng gặp nhiều trở ngại do các thủ tục xét duyệt và điều kiện cần thỏa mãn phức tạp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình mặc dù thuộc diện thụ hưởng nhưng vẫn chưa được nhận đủ nguồn hỗ trợ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân.

Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc huy động nguồn vốn đối ứng từ địa phương. Mặc dù tỉnh đã cam kết bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng nhưng điều kiện địa lý khó khăn và cơ sở vật chất thiếu thốn khiến nhiều dự án chậm trễ. Theo báo cáo, trong số 17 dự án cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt, chỉ có 8 dự án đang trong giai đoạn thi công, còn lại vẫn đang vướng mắc về mặt thủ tục.

Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng gặp những khó khăn tương tự. Nhiều xã trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt đủ tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về cơ sở hạ tầng và kinh tế. Mặc dù tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng hiện tại mới chỉ có 2 xã đủ điều kiện, các xã còn lại đều đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ cộng đồng và các nguồn lực xã hội hóa.

Cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trước tình trạng giải ngân vốn chậm trễ, UBND tỉnh Đắk Nông đã thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Cải cách thủ tục hành chính, một trong những giải pháp trọng tâm, giúp rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ, đồng thời bảo đảm tính minh bạch trong quá trình giải ngân. Việc cải cách thủ tục hành chính giúp các ban quản lý dự án tại cấp xã và huyện nâng cao năng lực, giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả thực thi.

img_0565.jpg
Tại các điểm giám sát, đồng chí Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông luôn nhấn mạnh vai trò phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan để từng bước tháo gỡ khó khăn, nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn

Nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức giám sát thực tế tại các địa phương và sở, ngành. Qua quá trình giám sát, đoàn đã giúp các đơn vị đánh giá lại những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc.

Qua giám sát, đồng chí Mai Thị Xuân Trung, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để đẩy mạnh giải ngân và thúc đẩy tiến độ các dự án nhằm đạt được các mục tiêu đề ra vào năm 2025 thì việc cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt và giải quyết các vấn đề pháp lý, cần được đẩy mạnh. Về vốn đối ứng, Đắk Nông xem xét điều chỉnh ngân sách địa phương hoặc kêu gọi hỗ trợ từ Trung ương nhằm bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc huy động vốn xã hội hóa từ cộng đồng doanh nghiệp được xem là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực lên ngân sách địa phương.

UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tập trung triển khai các dự án còn lại. Các cấp, ngành tăng cường giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện, bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, huy động vốn, nhằm bảo đảm các chương trình mục MTQG đạt hiệu quả cao nhất.

Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông

Nguyễn Thị Hiền PV