Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông tiếp cận thương mại số

Lê Dung 02/12/2024 06:53

Các doanh nghiệp Đắk Nông đang tích cực tiếp cận các nền tảng thương mại số để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa.

Xây dựng chính sách bán hàng

Ngoài phương thức bán hàng truyền thống, Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Minh Phong (Đắk Song) đang mở cửa hàng trên Tiktok shop.

img_8078.jpg
Sản phẩm mắc ca sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao của Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Minh Phong (Đắk Song) đang được bán trên nhiều kênh thương mại điện tử

Doanh nghiệp đang cung ứng ra thị trường nhiều loại nông sản chất lượng tốt như: mắc ca, hạt điều, mật ong, bột ca cao, trái cây sấy… Trong đó, sản phẩm mắc ca sấy của công ty đã được chứng nhận OCOP 3 sao.

Bà Vũ Thị Hiền, đại diện công ty cho hay, để kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiệu quả, đơn vị luôn chú trọng vào các yếu tố cốt lõi như: sản phẩm, hình ảnh, chất lượng hàng hóa. Cùng đó, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch hợp tác, bán hàng, các chương trình khuyến mãi với nền tảng mà mình xác định kinh doanh.

z6086302844792_cfd877dc5eb6bd554a950c7ca9bac294(1).jpg
Khi livestream trên kênh tiktok, các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng

Thông qua các sàn thương mại diện tử, doanh nghiệp được tận dụng các nền tảng có sẵn như hạ tầng, hệ thống thanh toán, vận chuyển tích hợp… Một khi khai thác tốt môi trường này, doanh nghiệp xác định sẽ tăng mạnh độ phủ cho thương hiệu nhờ hệ thống đánh giá và phản hồi minh bạch từ khách hàng.

img_8316.jpg
Doanh nghiệp chuẩn bị đội ngũ kỹ thuật cho buổi livestream bán hàng

Tương tự, là đơn vị nhiều năm tiếp cận với các nền tảng TMĐT, Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) cũng chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cho các sản phẩm hàng hóa trên môi trường số.

Giám đốc công ty Trần Thị Dịu cho biết, khi livestream trên kênh tiktok, đội ngũ bán hàng của doanh nghiệp luôn kết hợp hài hòa việc giới thiệu về các sản phẩm. Đội ngũ bán hàng của doanh nghiệp cũng liên tục thay đổi cách tương tác với người mua. Qua đó giúp tăng độ hấp dẫn của buổi livestream, để giữ chân khách hàng.

“Doanh nghiệp luôn đẩy mạnh các chế độ hậu mãi, chăm sóc và có chương trình khuyến mãi phù hợp với tệp khách hàng mà doanh nghiệp muốn hướng đến”, bà Dịu chia sẻ thêm.

Ông Hoàng Trung Tài, Chuyên viên đào tạo nhà bán hàng Tiktok shop cho hay, có nhiều lợi ích khi bán hàng trên Tiktok shop. Đó là tăng khả năng chốt đơn cho doanh nghiệp. Cửa hàng còn được tương tác, kết nối trực tiếp với khách hàng và những người đang quan tâm về sản phẩm của mình.

img_8304.jpg
Danh sách sản phẩm được doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo trước phiên livestraem bán hàng

Doanh nghiệp cũng có thể xác định được độ tin cậy của sản phẩm từ nhiều đối tượng khác nhau. Và cuối cùng là có thể cân đối được chi phí vận hành do không phải thuê mặt bằng nên linh hoạt hơn trong việc bán sản phẩm.

“Để phiên livestream bán hàng đạt hiệu quả cao nhất, các doanh nghiệp Đắk Nông cần chuẩn bị các phần việc như: danh sách sản phẩm, dùng ưu đãi khuyến mãi, quà tặng kèm; chuẩn bị kỹ thuật, người live; bối cảnh của chương trình livestream; tạo tình huống tương tác, trò chuyện trực tuyến với người mua…”, ông Tài nhấn mạnh.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Đắk Nông đang có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sàn TMĐT để mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng cho sản phẩm hàng hóa.

img_8039.jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông được hỗ trợ thông tin về ứng dụng công nghệ AI trong kinh doanh hiệu quả

Địa phương hiện đang duy trì hoạt động của sàn TMĐT “daknongtrade.com” nhằm kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh được tham gia các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT lớn của Việt Nam như: Sendo, Tiki, Lazada…

Cùng với đó, việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số được tỉnh đẩy mạnh. Cụ thể như: cung cấp dịch vụ VNPT SmartCA với mức cước 0 đồng; cung cấp các dịch vụ thiết yếu dành cho doanh nghiệp, HTX với mức cước 0 đồng; cung cấp dịch vụ tổng thể cho Hộ kinh doanh cá thể với mức cước 0 đồng...

img_8116.jpg
Sản phẩm của doanh nghiệp Đắk Nông sẽ được tiếp cận lượng khách hàng tốt hơn khi tham gia mạnh vào thương mại số

Đắk Nông hiện đã thực hiện hỗ trợ đưa 1.161 sản phẩm lên sàn TMĐT, với tổng số giao dịch là 27.528 lượt. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%. Số hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2%.

Vừa qua, ngành Công thương Đắk Nông đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh nhiều tới các nội dung về: ứng dụng công nghệ AI trong kinh doanh; chính sách thuế trong thương mại điện tử; kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok shop...

Ông Võ Văn Khanh, Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho hay, sắp tới, Hiệp hội sẽ có một không gian trưng bày, một đội ngũ để lựa chọn, đánh giá sản phẩm, giúp các doanh nghiệp Đắk Nông kinh doanh thuận lợi trên môi trường số. Các sản phẩm sẽ trải qua 3 giai đoạn: trưng bày, trình diễn; hợp tác về giải pháp TMĐT để livestream bán hàng; đàm phán.

img_7964.jpg
Ông Võ Văn Khanh, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hiệp hội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đắk Nông kinh doanh thuận lợi trên môi trường số

Vừa rồi, Hiệp hội đã đưa 6 nhóm ngành sản phẩm đặc trưng của Việt Nam sang thị trường này; trong đó, có mắc ca. Vì vậy, đơn vị muốn đề xuất hỗ trợ cụ thể cho hoạt động này đối với Đắk Nông trong năm 2025 trên các nền tảng thương mại.

Lê Dung