Khoa học

Lý giải về những "ngọn lửa vĩnh cửu" cháy mãi hàng nghìn năm trong tự nhiên

TTXVN 01/12/2024 09:29

Khí đốt tự nhiên từ các “bể chứa” sâu dưới lòng đất thoát lên qua các vết nứt trong đá, đôi khi có thể tự âm ỉ cháy trong hàng nghìn năm.

Ngọn lửa vĩnh cửu bên dưới thác nước ở Công viên Hạt Chestnut Ridge, tiểu bang New York (Mỹ). (Nguồn: Alamy/National Geographic)
Ngọn lửa vĩnh cửu bên dưới thác nước ở Công viên Hạt Chestnut Ridge, tiểu bang New York (Mỹ). (Nguồn: Alamy/National Geographic)

Ở tiểu bang New York của Mỹ có một ngọn lửa nhỏ lấp lánh phía sau một thác nước. Đây là hiện tượng tự nhiên đã thu hút trí tưởng tượng trong hàng nghìn năm: Ngọn lửa vĩnh cửu.

Những ngọn lửa cháy liên tục như thế này xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.

Do khí tràn lên từ các "bể chứa" sâu dưới lòng đất, một số đã cháy trong nhiều thiên niên kỷ và có thể đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện trong Kinh thánh. Nhưng chúng là gì và làm thế nào chúng có thể tiếp tục cháy trong thời gian dài như vậy?

Theo National Geographic, sau đây là những thông tin bạn cần biết:

Ngọn lửa vĩnh cửu là gì?

Giuseppe Etiope, nhà địa chất tại Viện Địa vật lý và Núi lửa Quốc gia ở Rome (Italy), cho biết: "Ngọn lửa vĩnh cửu có thể được coi là một trường hợp đặc biệt của hiện tượng rò rỉ."

Sự rò rỉ xảy ra khi khí tự nhiên dễ cháy dưới lòng đất - chủ yếu là methane, ethane và propane - thoát lên bề mặt từ các “bể chứa” áp suất qua các vết nứt hoặc lỗ trên đá.

Trong những điều kiện đặc biệt, khi khí tiếp cận bề mặt có nồng độ methane đủ cao, nó "có thể tự cháy" - Etiope nói. Được tiếp nhiên liệu bằng cách liên tục phát ra khí, một số ngọn lửa có thể cháy trong hàng nghìn năm. "Và từ đó, từ ngọn lửa vĩnh cửu xuất hiện.”

Hiện tượng thiên nhiên hiếm có

Những đám lửa hiếm gặp này thường được tìm thấy gần các mỏ dầu, và Etiope ước tính “có lẽ có ít hơn 50” đám lửa như vậy trên toàn cầu. Chúng đã được phát hiện ở nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Romania, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Azerbaijan, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia.

Etiope cho biết một số trong số đó “có thể đã phát triển từ hàng nghìn, hàng chục nghìn hoặc thậm chí là cả triệu năm trước.”

lua vinh cuu 3.png
Bóng các cậu bé in trên nền trời đêm trong khi một đám cháy liên tục bùng phát dưới lòng đất - được tiếp thêm nhiên liệu từ các vỉa than và dường như không thể dập tắt - ở Jharia (Ấn Độ). (Nguồn: National Geographic)

Một đám lửa dưới thác nước cao 32 feet (gần 10m) ở Công viên Hạt Chestnut Ridge tại tiểu bang New York nổi tiếng vì vẻ đẹp của nó. Ngọn lửa ở đây có thể cao khoảng 3-8 inch (khoảng 7-20cm), tùy thuộc vào thời tiết và mùa.

“Nó tỏa sáng từ phía sau màn nước đổ xuống” - Arndt Schimmelmann, một nhà khoa học Trái Đất cấp cao tại Đại học Indiana, cho biết. Ông nhớ lại Etiope - người mà ông mô tả là chuyên gia thế giới về rò rỉ khí đốt tự nhiên - nói rằng đây là “ngọn lửa vĩnh cửu” tự nhiên đẹp nhất mà ông từng thấy.

Ý nghĩa tôn giáo và văn hóa

Những ngọn lửa bí ẩn này xuất hiện trong nhiều thần thoại và lịch sử cổ đại.

Ở Azerbaijan, ngọn lửa cháy trên sườn đồi gần Baku có tên “Yanardag” - nghĩa là “ngọn núi cháy - được coi là linh thiêng trong tôn giáo Zoroastrian (Hỏa giáo). Tôn giáo này tin rằng lửa là biểu tượng của thần thánh.

Chimaera ở Vịnh Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ - trước đây được gọi là Lycia cổ đại - được đặt theo tên quái vật phun lửa trong thần thoại Hy Lạp. Gần đền thờ Hephaestus - vị thần lửa của thợ rèn Hy Lạp, có thể đây là nơi ngọn lửa Olympic được thắp sáng lần đầu tiên.

Được tác giả Pliny the Elder nhắc đến trong cuốn “Historia Naturalis,” được viết vào khoảng năm 77 trước Công nguyên, nó đã có “tuổi đời” ít nhất là 2.000 năm.

Baba Gurgur ở Iraq là một miệng hố khổng lồ với ngọn lửa cháy ở giữa. Một số người tin rằng đây là "lò lửa cháy dữ dội " mà Vua Nebuchadnezzar đã ném ba người Do Thái vào - như trong Cựu Ước. Sự hiện diện trong thời Kinh Thánh đồng nghĩa về mặt lý thuyết, ngọn lửa đã cháy trong 4.000 năm.

Dập tắt ngọn lửa vĩnh cửu

Mặc dù một số trong những ngọn lửa này đã cháy trong hàng thiên niên kỷ, nhưng ngọn lửa vĩnh cửu vẫn có thể bị dập tắt.

Schimmelmann cho biết: “Cụm từ ‘ngọn lửa vĩnh cửu’ gây hiểu lầm vì địa chất cho chúng ta biết rằng không có gì là vĩnh cửu trên Trái Đất.”

Một số đám cháy có thể bị mưa dập tắt nhưng tùy thuộc vào cường độ rò rỉ khí và điều kiện mặt đất, "chúng có thể tự cháy lại" - Etiope cho biết.

lua vinh cuu 2.png
Ngọn lửa Yanartas trong đêm ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), những ngọn lửa nhỏ cháy liên tục, thoát lên từ khe hở trên những tảng đá ở sườn núi. (Nguồn: National Geographic)

Ở Chestnut Ridge, có thể dập tắt được ngọn lửa bằng cách té nước. “Tôi đã tự mình làm điều đó một vài lần khi tôi chuẩn bị lấy mẫu khí để phân tích địa hóa học” - Schimmelmann nói.

“Việc nhóm lại ngọn lửa mà không để nước từ dòng thác tuôn trào dập tắt luôn là một thách thức.” Dù vậy, ông luôn thắp lại được ngọn lửa trước khi rời đi.

Sau cùng, ngọn lửa có thể sẽ biến mất do xói mòn tự nhiên khi thác nước “rút đi.” Việc mất “nơi trú ẩn” sẽ khiến ngọn lửa bị tắt thường xuyên, mặc dù dòng khí có thể tiếp tục tồn tại" - ông nói.

Tác động môi trường

Những rò rỉ hydrocarbon địa chất - bao gồm cả ngọn lửa vĩnh cửu - là nguồn khí nhà kính tự nhiên, như methane và các chất ô nhiễm quang hóa như ethane và propane.

Ngọn lửa Chestnut Ridge thải ra khoảng 1kg khí methane mỗi ngày.

Có rất ít ngọn lửa vĩnh cửu nên tác động đến môi trường là không đáng kể so với hàng nghìn vụ rò rỉ khí trên toàn cầu. Schimmelmann cho biết lượng khí thải từ những ngọn lửa vĩnh cửu "là rất nhỏ so với lượng khí thải công nghiệp."

Việc khoan tìm khí có thể "giết chết" ngọn lửa vĩnh cửu gần đó bằng cách giảm áp suất của “bể chứa khí” cung cấp nhiên liệu cho chúng.

Ông cho biết ngọn lửa vĩnh cửu của Chestnut Ridge là “một di tích hiếm có,” “chỉ tồn tại cho đến ngày nay vì chưa có hoạt động khoan nào diễn ra ở khu vực cụ thể đó.”.

TTXVN