Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Trả lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài

Chính sách - Ngày đăng : 20:35, 29/11/2024

Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đại diện vốn tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm: "Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại theo barem. Theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Và có người tài người ta cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình".
Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Trả lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài- Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Trả tiền lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Và có người tài người ta cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình

Đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường

Chiều 29.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vừa nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính vào chiều 28/11, tại Quốc hội, tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã có giải trình kịp thời, cụ thể về nhiều vấn đề các đại biểu quan tâm.

Nhấn mạnh về mục tiêu ban hành luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, việc ban hành luật trước hết là để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

Ban hành luật này cũng hướng tới, để Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế, chấm dứt việc can thiệp hành chính vào doanh nghiệp hay lồng ghép quản lý nhà nước và hoạt động đầu tư kinh doanh…

Cụ thể hơn đó là việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. 

“Đây là những nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện trong phương thức xây dựng luật lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.

Về đối tượng áp dụng, hiện dự thảo luật quy định áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, không bao gồm Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Một số đại biểu đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư, hay còn gọi là doanh nghiệp F2, F3…

Phản hồi ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xem xét bổ sung các đối tượng áp dụng, quy định nguyên tắc nội dung quản lý cho phù hợp với tỷ lệ vốn góp và tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.

Liên quan đến xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, hiện nay dự thảo luật quy định một số trường hợp người đại diện vốn phải trình cơ quan đại diện vốn về chiến lược kinh doanh. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nội dung này cơ quan chủ trì cần phải tiếp thu, nghiên cứu xem liệu có cần thiết hay không. Nếu cần thiết thì phải quy định rất gọn, rất cụ thể những nội dung cần trình là gì, để tránh việc tạo ra những rào cản không cần thiết.

Nội dung phân phối lợi nhuận sau thuế cũng là điểm được quan tâm của dự thảo luật. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, về nguyên tắc theo quy định pháp luật thì đây là sở hữu của các chủ sở hữu vốn, là phần để chia cổ tức, không phải là của doanh nghiệp. 

Do đó, khi quy định để lại tối đa 50%, có nghĩa là nhà nước ấn định tỷ lệ này khi nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, không nên để tỷ lệ này cao quá vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác. Trong khi đề cao vai trò bình đẳng trong doanh nghiệp không nên ấn định tỷ lệ lợi nhuận để lại ở mức cao.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Trả lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài- Ảnh 2.

Tiền lương thấp sẽ không có được người tài

Trong các quy định về quản lý vốn nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. 

Theo ông, đây là người có vai trò quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt là ở những doanh nghiệp mà nhà nước có vốn từ 50% trở lên thì đây sẽ là người lãnh đạo doanh nghiệp.

Do đó, người đại diện vốn sẽ là người quyết định việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không. 

Bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Hoàng Văn Cường đã phát biểu trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ, cũng như công cụ phù hợp cho vai trò này.

“Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại theo barem, theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài, và có người tài người ta cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình” - Bộ trưởng phân tích.

Nêu ví dụ ở các doanh nghiệp tư nhân cùng ngành, lương người quản lý có thể cao gấp vài chục lần ở doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng cho rằng nếu lương người đại diện vốn trả thấp là không được.

Cùng với đó, việc quản lý, đánh giá hiệu quả phải rất khách quan, minh bạch như ý kiến các đại biểu đã nêu. Theo đó, doanh nghiệp phải làm ăn hiệu quả, các chỉ tiêu, mức thưởng, phạt, thậm chí mức nào bị sa thải cũng phải đặt ra rất rõ ràng.

“Người ta phải có đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Doanh nghiệp tư nhân ở ngoài như thế nào, doanh nghiệp nhà nước chúng ta áp dụng những cơ chế như thế thì tự khắc nó khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm.

Chẳng hạn, Bộ trưởng lấy ví dụ, người có mức lương cao khi đàm phán dự án sẽ có trách nhiệm cao hơn nhiều so với người đàm phán dự án với mức lương bình thường, kết quả đàm phán sẽ rất khác nhau. Thậm chí, mức lương thấp có thể dẫn đến việc người đàm phán cố tình gửi gắm, cài giá…

“Khó khăn nhất chính là vấn đề liên quan đến chế độ lương thưởng của các người đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ đồng tình với các ý kiến đại biểu rằng vấn đề này cần phải được làm công khai, minh bạch, phải có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước như doanh nghiệp tư nhân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nhiều ý kiến đại biểu góp ý cho dự thảo Luật tại tổ cũng như tại phiên họp rất xác đáng, sâu sắc, cần được nghiên cứu và tiếp thu. 

Với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu các ý kiến đã phát biểu cũng như các ý kiến chưa được phát biểu với tinh thần cầu thị cao nhất để nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật với chất lượng cao nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sau khi kết thúc kỳ họp.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Trả lương theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài- Ảnh 3.

Bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu vốn, đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí sửa đổi, ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu vốn, đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản nhà nước, gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước. 

Tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, kiểm toán của Nhà nước và của nhân dân đối với vốn của nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, trong đó bổ sung hoặc loại bỏ một số từ ngữ, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, nội dung quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn. 

Quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn của nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch và cơ chế để sử dụng quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, nguyên tắc đầu tư của doanh nghiệp, sắp xếp, cơ cấu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Quan tâm đến quyền lợi của cổ đông khi giải thể doanh nghiệp nhà nước và lưu ý loại hình doanh nghiệp về quốc phòng, an ninh.

Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến quan trọng vào điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật. “Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo chất lượng cao nhất, trên cơ sở thực sự nghiêm túc, cầu thị như Bộ trưởng đã hứa”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu của Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định khi đủ điều kiện.