Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá

Chính sách - Ngày đăng : 16:36, 27/11/2024

Thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ. Đại biểu cũng đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá.
Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá- Ảnh 1.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Hà Nội.

Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ phẩm hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội. 

Vì vậy, khi chúng ta ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động của nó là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. 

Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.

Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. 

Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Thuốc là và rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này nhưng cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi. 

Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt. Lần đầu có thể tăng khoảng 10-15%. Sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao ý thức và doanh nghiệp có thời gian để chuyển đổi sản xuất sản phẩm khác, như vậy mới có tác dụng.

Rượu, bia có hại là do nồng độ cồn, vì vậy, đại biểu cho rằng, các đồ uống có cồn với nồng độ cao thì đánh thuế phải cao, những đồ uống có nồng độ cồn thấp thì đánh thuế thấp hơn. Tuy nhiên, hiện thuế suất với đồ uống có nồng độ cồn thấp lại tương đương với đồ uống có nồng độ cồn cao là bất hợp lý. 

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị xem xét lại phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, chẳng hạn như tăng cao nhất đối với rượu mạnh, thấp hơn là rượu dưới 20 độ, thấp hơn nữa là tỉ lệ với bia. 

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.