Đời sống

Vùng nghèo thay đổi từ vốn giảm nghèo

Dương Phong 27/11/2024 06:20

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên đầu tư xây mới và sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình trường học, tạo sinh kế hoặc xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Hoàn thiện cơ sở vật chất trường học

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình giảm nghèo bền vững), Trường mẫu giáo Hoa Mai, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong được đầu tư xây mới nhà thể chất, phòng âm nhạc và 8 phòng học cùng một số công trình phụ trợ khác… với tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trường mẫu giáo Hoa Mai có 1 điểm chính và 3 điểm phụ. Sắp tới, khi công trình xây mới đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ gom trẻ ở 2 điểm phụ về học tập trung tại điểm chính, từ đó tạo thuận lợi cho việc quản lý, dạy học và tổ chức ăn bán trú cho trẻ.

img_1841.jpg
Từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững, Trường mẫu giáo Hoa Mai được đầu tư dãy phòng học mới và công trình phụ trợ

Bà Phạm Thị Ngọt, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoa Mai cho biết: “Trước đây, điểm trường chính chỉ có 2 dãy phòng học và nhà hiệu bộ. Không gian nhỏ, nhà trường không có điều kiện để trang trí, tổ chức các tiết học ngoại khóa cho trẻ. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn giảm nghèo, nhà trường đã được xây dựng một dãy phòng học mới cùng một công trình phụ trợ, giúp nhà trường ngày càng khang trang, kiên cố và chuẩn hóa hơn”.

Với tổng nguồn vốn 291,4 tỷ đồng bố trí cho Dự án 1 (Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội) thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Glong đã ưu tiên đầu tư xây thêm nhiều phòng học cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

img_1869.jpg
Cơ sở vật chất trường học được hoàn thiện, giúp trẻ được học tập, trải nghiệm tốt hơn

Cũng như huyện Đắk Glong, từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Tuy Đức đã đầu tư xây mới, nâng cấp nhiều công trình trường học, từng bước đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và góp phần nâng cao tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện.

Bà Phan Thị Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức phấn khởi nói: “Từ nguồn vốn giảm
nghèo, trường được đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ. Hiện nay, các công trình đã hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu dạy, học và bán trú của trẻ, hướng tới mô hình trường học hạnh phúc. Đây là mô hình mang đến cho học sinh những trải nghiệm tốt nhất, tạo niềm vui trong dạy và học cho cô, trò mỗi khi đến trường”.

An cư cho hộ nghèo, cận nghèo

Từ nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay, các xã trên địa bàn huyện Tuy Đức đã xây mới và sửa chữa hàng chục căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong số này, nhiều căn nhà được xây dựng với số tiền trên 100 triệu đồng nhờ sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội.

Ông Nguyễn Cát Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức cho biết, việc xóa nhà tạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương đặt ra. Từ nguồn vốn giảm nghèo, xã Quảng Tâm đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có nhà ở ổn định, thoát nghèo bền vững.

“Thời gian tới, xã Quảng Tâm tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, địa phương kêu gọi các cơ quan, đơn vị tích cực ủng hộ để có thêm nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”, Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm cho hay.

img_1811.jpg
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được các địa phương đẩy mạnh nhờ nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo bền vững

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cơ bản người dân đã nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo. Bản thân người dân, hộ nghèo, cận nghèo ngày càng có ý thức nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, giảm dần tư duy trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đánh giá, việc đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và với nhiều dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững được triển khai, các chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đến nay cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Huyện Đắk Glong đang phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn lại của chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt là dự án hỗ trợ nhà ở.

Địa phương này phấn đấu trong năm nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập.

Năm 2023, 2024, tỉnh Đắk Nông được bố trí hơn 72 tỷ đồng để thực hiện Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ được 93 căn nhà (huyện Tuy Đức: 76 căn; huyện Đắk Glong: 17 căn), tương đương 13% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt. Mỗi căn bảo đảm diện tích sử dụng tối thiểu 30, 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.

Dương Phong