Nghị quyết 1287/NQ-UBTVQH15 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc

Chính sách - Ngày đăng : 18:08, 23/11/2024

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 1287/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 – 2025.

NGHỊ QUYẾT

Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật số 47/2019/QH14, Luật số 31/2024/QH15, Luật số 34/2024/QH15 và Luật số 43/2024/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 ngày 22 tháng 8 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 668/TTr-CP ngày 18 tháng 10 năm 2024 và Báo cáo số 781/BC-CP ngày 13 tháng 11 năm 2024, Báo cáo thẩm tra số 3463/BC-UBPL15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Pháp luật,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc

1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Phúc Yên như sau:

a) Thành lập phường Hai Bà Trưng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,90 km2, quy mô dân số là 12.264 người của phường Trưng Trắc và toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,80 km2, quy mô dân số là 8.892 người của phường Trưng Nhị. Sau khi thành lập, phường Hai Bà Trưng có diện tích tự nhiên là 2,70 km2 và quy mô dân số là 21.156 người.

Phường Hai Bà Trưng giáp các phường Hùng Vương, Nam Viêm, Phúc Thắng và Tiền Châu;

b) Sau khi sắp xếp, thành phố Phúc Yên có 09 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 07 phường và 02 xã.

2. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Vĩnh Tường như sau:

a) Thành lập xã Sao Đại Việt trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 2,80 km2, quy mô dân số là 5.054 người của xã Việt Xuân, toàn bộ diện tích tự nhiên là 2,60 km2, quy mô dân số là 4.054 người của xã Bồ Sao và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,90 km2, quy mô dân số là 6.300 người của xã Cao Đại. Sau khi thành lập, xã Sao Đại Việt có diện tích tự nhiên là 11,30 km2 và quy mô dân số là 15.408 người.

Xã Sao Đại Việt giáp các xã Lũng Hòa, Tân Phú, Yên Lập; huyện Lập Thạch; tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội;

b) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,00 km2, quy mô dân số là 7.932 người của xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng. Sau khi nhập, xã Đại Đồng có diện tích tự nhiên là 8,20 km2 và quy mô dân số là 19.826 người.

Xã Đại Đồng giáp các xã Chấn Hưng, Lũng Hòa, Lương Điền, Nghĩa Hưng, Yên Lập, thị trấn Thổ Tang và huyện Yên Lạc;

c) Thành lập xã An Nhân trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 2,90 km2, quy mô dân số là 6.272 người của xã Lý Nhân và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,40 km2, quy mô dân số là 10.820 người của xã An Tường. Sau khi thành lập, xã An Nhân có diện tích tự nhiên là 8,30 km2 và quy mô dân số là 17.092 người.

Xã An Nhân giáp các xã Tân Phú, Thượng Trưng, Tuân Chính, Vĩnh Thịnh và thành phố Hà Nội;

d) Thành lập xã Lương Điền trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,30 km2, quy mô dân số là 6.652 người của xã Vân Xuân và toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,60 km2, quy mô dân số là 15.783 người của xã Bình Dương. Sau khi thành lập, xã Lương Điền có diện tích tự nhiên là 10,90 km2 và quy mô dân số là 22.435 người.

Xã Lương Điền giáp xã Đại Đồng, xã Vũ Di, thị trấn Thổ Tang, thị trấn Tứ Trưng và huyện Yên Lạc;

đ) Thành lập xã Vĩnh Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,70 km2, quy mô dân số là 5.352 người của xã Vĩnh Ninh và toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,40 km2, quy mô dân số là 6.431 người của xã Phú Đa. Sau khi thành lập, xã Vĩnh Phú có diện tích tự nhiên là 11,10 km2 và quy mô dân số là 11.783 người.

Xã Vĩnh Phú giáp xã Ngũ Kiên, xã Vĩnh Thịnh, thị trấn Tứ Trưng, thị trấn Vĩnh Tường; huyện Yên Lạc và thành phố Hà Nội;

e) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,30 km2, quy mô dân số là 6.455 người của xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang. Sau khi nhập, thị trấn Thổ Tang có diện tích tự nhiên là 8,60 km2 và quy mô dân số là 24.989 người.

Thị trấn Thổ Tang giáp các xã Đại Đồng, Lũng Hòa, Lương Điền, Tân Phú, Thượng Trưng và Vũ Di;

g) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,20 km2, quy mô dân số là 4.509 người của xã Tam Phúc vào thị trấn Vĩnh Tường. Sau khi nhập, thị trấn Vĩnh Tường có diện tích tự nhiên là 6,50 km2 và quy mô dân số là 12.289 người.

Thị trấn Vĩnh Tường giáp thị trấn Tứ Trưng, các xã Thượng Trưng, Tuân Chính, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phú và Vũ Di;

h) Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Tường có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 03 thị trấn.

3. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sông Lô như sau:

a) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,70 km2, quy mô dân số là 4.203 người của xã Nhạo Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,00 km2, quy mô dân số là 4.920 người của xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn. Sau khi nhập, thị trấn Tam Sơn có diện tích tự nhiên là 12,40 km2 và quy mô dân số là 13.613 người.

Thị trấn Tam Sơn giáp các xã Đồng Quế, Phương Khoan, Tân Lập, Yên Thạch và tỉnh Phú Thọ;

b) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,30 km2, quy mô dân số là 3.519 người của xã Bạch Lưu vào xã Hải Lựu. Sau khi nhập, xã Hải Lựu có diện tích tự nhiên là 16,50 km2 và quy mô dân số là 11.303 người.

Xã Hải Lựu giáp các xã Đôn Nhân, Lãng Công, Nhân Đạo, Quang Yên; tỉnh Phú Thọ và tỉnh Tuyên Quang;

c) Sau khi sắp xếp, huyện Sông Lô có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 13 xã và 01 thị trấn.

4. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Yên Lạc như sau:

a) Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,20 km2, quy mô dân số là 4.707 người của xã Hồng Phương vào xã Hồng Châu. Sau khi nhập, xã Hồng Châu có diện tích tự nhiên là 8,40 km2 và quy mô dân số là 13.630 người.

Xã Hồng Châu giáp các xã Liên Châu, Nguyệt Đức, Trung Hà, Trung Kiên, Yên Phương và thành phố Hà Nội;

b) Sau khi sắp xếp, huyện Yên Lạc có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 xã và 02 thị trấn.

5. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Lập Thạch như sau:

a) Thành lập xã Tây Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,40 km2, quy mô dân số là 5.223 người của xã Đình Chu và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,70 km2, quy mô dân số là 9.534 người của xã Triệu Đề. Sau khi thành lập, xã Tây Sơn có diện tích tự nhiên là 10,10 km2 và quy mô dân số là 14.757 người.

Xã Tây Sơn giáp các xã Đồng Ích, Sơn Đông, Tiên Lữ, Văn Quán; huyện Sông Lô và huyện Vĩnh Tường;

b) Sau khi sắp xếp, huyện Lập Thạch có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 02 thị trấn.

6. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Tam Dương như sau:

a) Thành lập xã Hội Thịnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,00 km2, quy mô dân số là 6.914 người của xã Vân Hội và toàn bộ diện tích tự nhiên là 4,40 km2, quy mô dân số là 8.566 người của xã Hợp Thịnh. Sau khi thành lập, xã Hội Thịnh có diện tích tự nhiên là 8,40 km2 và quy mô dân số là 15.480 người.

Xã Hội Thịnh giáp xã Duy Phiên; huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc và thành phố Vĩnh Yên;

b) Sau khi sắp xếp, huyện Tam Dương có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 xã và 02 thị trấn.

7. Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Vĩnh Phúc có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 07 huyện và 02 thành phố; 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 88 xã, 15 phường và 18 thị trấn.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

2. Chính phủ chỉ đạo các Bộ có liên quan và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp phù hợp đối với các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp mà chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025, xác định lộ trình hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện sắp xếp trong những năm tiếp theo theo đúng quy định.

3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.


Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ 39 thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2024.