Y tế - Sức khỏe

Phát triển dược liệu tạo sinh kế cho đồng bào DTTS: Hỗ trợ khai thác hiệu quả dược liệu thế mạnh (Bài 2)

Khánh Ngân - Lê Hường 04/09/2024 14:34

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về cây dược liệu, những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng việc phát triển dược liệu bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, thúc đẩy sản xuất dược liệu quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với bảo tồn.

Sản phẩm chế biến từ cây dược liệu của Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang xã Đắk Ha
Sản phẩm chế biến từ cây dược liệu của Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha

Từ cơ chế, chính sách

Đắk Nông được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng dược liệu và được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 20230 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/10/2013, với vai trò là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển dược liệu.

Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chỉ thị 22 về Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 22, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển dược liệu tại địa phương. Tháng 12/2021, tỉnh Đắk Nông triển khai Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030. Đề án đã phân loại có 26 loại dược liệu có khả năng khai thác, 71 loại thuộc diện bảo tồn, 12 loại định hướng trồng và phát triển.

Bên cạnh việc ban hành các chủ trương, chính sách phát triển dược liệu, tỉnh Đắk Nông còn có nhiều chính sách quan tâm thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học góp phần phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển dược liệu, phát triển sản xuất, chế biến dược liệu thành hàng hóa, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, các cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Nông đã lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, huy động vốn Trung ương, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển dược liệu.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình, đề án xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, phát triển nguồn dược liệu; nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay hay từ dược liệu gắn với tăng cường tuyên truyền bảo tồn, phát huy giá trị dược liệu.

Nhân viên Công ty Đầu tư và Phát triển Đại Thành sản xuất rượu dược liệu (ảnh: Phan Tuấn)
Nhân viên Công ty Đầu tư và Phát triển Đại Thành sản xuất rượu dược liệu (ảnh: Phan Tuấn)

Những năm qua, Hội Đông y tỉnh Đắk Nông đã có nghiên cứu, sưu tầm nhiều bài thuốc hay từ dược liệu; xây dựng mô hình bảo tồn guồn gen cây sâm cau gắn với phát triển sâm cau dưới tán rừng, tán cây công nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, Hội Đông y tỉnh, còn thử nghiệm và trồng thành công 116 loài cây thuốc được đưa từ rừng về, và ứng dụng một số bài thuốc bằng dược liệu.

Những kết quả bước đầu

Từ chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp chính quyền cơ sở đã chú trọng chỉ đạo, định hướng thực hiện, các ngành, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã quan tâm phát triển dược liệu. Đến nay, nhiều đơn vị đã mở rộng phát triển các loại dược liệu có thế mạnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chế biến sản phẩm dược liệu nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu.

Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chế biến sản phẩm từ dược liệu ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong. Đến nay, hợp tác xã cho ra thị trường nhiều sản phẩm chế biến từ dược liệu.

Bà Nguyễn Thị Băng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang cho biết: Nắm bắt chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu và thấy được tiềm năng dược liệu trên địa bàn, Hợp tác xã đã chuyển hướng từ kinh doanh nội thất sang dược liệu. Thời gian đầu, bà chỉ làm đại lý thu mua các loại dược liệu trên địa bàn về sơ chế, bảo quản các loại dược liệu để cung cấp cho các nhà máy, nhà thuốc nam y, đông y. Nhận thấy nguồn dược liệu trên địa bàn rất lớn và sản xuất, kinh doanh dược liệu là hướng phát triển kinh tế mới nên bà đã vận động những hộ hàng xóm cùng làm.

Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang được thành lập vào tháng 3/2020, với 14 thành viên chính thức. Hiện nay, hợp tác xã (HTX) trồng các loại dược liệu trên diện tích 50ha. Bên cạnh diện tích dược liệu của thành viên, hợp tác xã liên kết với người dân mở rộng vùng trồng dược liệu lên đến hàng trăm ha.

Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang đầu tư công nghệ hiện đại chế biến dược liệu
Hợp tác xã Dược liệu An Phúc Khang đầu tư công nghệ hiện đại chế biến dược liệu

Từ khi thành lập, HTX nhận được nhiều hỗ trợ về chính sách, kinh phí, máy móc của các cấp chính quyền để chế biến dược liệu. Hiện nay, HTX đã chế biến hơn 20 sản phẩm cao dược liệu, tinh dầu.

Ngoài ra, HTX còn liên kết hàng trăm hộ nông dân, thu mua các loại dược liệu có sẵn trong tự nhiên từ rừng, một số thì sơ chế xuất cho các nhà thuốc nam y, đông y, một số thì nghiên cứu chế biến thành các loại sản phẩm.

“Vùng nguyên liệu của huyện Đắk Glong nhiều vô kể, tôi liên kết với nhiều hộ dân, chủ yếu đồng bào DTTS để thu gom nguyên liệu từ rừng. Tuy nhiên, đầu ra còn hạn chế chưa xuất được số lượng lớn. Tôi đi rất nhiều từ Bắc đến Nam để kêu gọi hợp tác, mong xuất được nguồn nguyên liệu để thu mua cho bà con nhiều hơn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo từ dược liệu”, bà Băng chia sẻ.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chia sẻ: Thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, huyện Đắk Glong quan tâm đến việc phát triển dược liệu. Một số doanh nghiệp, địa phương đã đưa vào trồng, kinh doanh cây dược liệu và đạt được kết quả bước đầu. Trong đó, có dự án đầu tư trồng cây dược liệu và rừng sản xuất tại xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong) của Công ty Cổ phần Sản xuất chế biến Nông lâm sản - Dược liệu sạch Đắk Nông, trồng 10 loại cây dược liệu. Nhiều nông dân tại một số địa phương cũng bước đầu phát triển thử nghiệm ở quy mô nhỏ dưới 1.000 m2 đối với một số cây dược liệu.

Hiện nay, huyện Đắk Glong đã đưa vào quy hoạch 5ha đất xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu trên địa bàn xã Quảng Sơn nhằm đảm bảo ổn định, bền vững, hài hòa, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa không ảnh hướng đến cây trồng lợi thế của địa phương, diện tích trồng cây dược liệu.

Các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng dần quan tâm, mở rộng phát triển dược liệu như huyện Đắk Mil đã lồng ghép phát triển dược liệu trong kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số loại dược liệu được bà con nông dân trồng xen trong diện tích cây cà phê, dưới tán rừng cao su với diện tích khoảng 20 ha; một số đơn vị chủ rừng đã và đang xây dựng kế hoạch trồng, phát triển, khai thác dược liệu thông qua các phương án quản lý rừng bền vững.

Ngoài ra, công tác khám, chữa bệnh bằng Y Dược cổ truyền được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, 71/71 Trạm Y tế có các vườn thuốc nam để hướng dẫn Nhân dân bảo tồn và sử dụng các nguồn dược liệu sẵn có ở địa phương đế chữa các bệnh thông thường tại nhà.

Khánh Ngân - Lê Hường