Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn vấn đề giám sát của đoàn đại biểu Quốc Hội, HĐND

Đ. Diệu 22/11/2024 17:06

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, đối với các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát đề cần xem xét quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương.

Chiều 22/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tổ chức thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH và HĐND. Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Đối với các quy định về tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát (khoản 46 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 80 luật hiện hành), đề nghị cần xem xét quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương; những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu, sự phát triển, vận động của kinh tế - xã hội. Giám sát cũng cần lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề “nóng” của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Mai 22
Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận tại tổ chiều 22/11

Đoạn 1 khoản 1 Điều 72 quy định: “Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND ”.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi thuộc thẩm quyền của thủ trưởng một số cơ quan như BHXH, thuế, kho bạc Nhà nước, ngân hàng Nhà nước và chủ tịch UBND cấp huyện cần thiết phải được giải trình về vấn đề mà thường trực HĐND quan tâm. Tuy nhiên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ thuộc đối tượng tham gia giải trình chứ không phải đối tượng giải trình chính. Từ những phân tích nêu trên và yêu cầu từ thực tiễn cho thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng: “Căn cứ vào chương trình giám sát, thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND cùng cấp, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cá nhân có liên quan giải trình và tham gia giải trình vấn đề mà thường trực HĐND quan tâm”.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung quy định chế tài cụ thể đối với việc thực hiện kiến nghị đối với cử tri, vấn đề trả lời chất vấn và thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các đoàn giám sát HĐND, thường trực HĐND, các ban HĐND huyện. Luật Hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH và HĐND hiện hành không quy định thời gian thực hiện báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của HĐND đối với các nội dung nêu trên.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị bổ sung quy định, hướng dẫn thống nhất việc bàn giao các kiến nghị sau giám sát, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cho cả nhiệm kỳ chưa có kết quả chuyển biến tích cực, còn tồn đọng, kéo dài tại kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ. Qua đó làm cơ sở chuyển giao tất cả các nhóm vấn đề giám sát để HĐND khóa trước chuyển giao cho HĐND khóa sau tiếp tục có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết và trả lời.

Đ. Diệu