Quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 17:02, 22/11/2024
Thông tư quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. |
Theo đó, Thông tư gồm 04 chương, 24 điều và 12 biểu mẫu kèm theo; quy định về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc, biểu mẫu trong chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông và trách nhiệm của các lực lượng khác được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông trên đường bộ.
Thông tư áp dụng đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
Theo Thông tư, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có quyền:
- Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự;
- Trong phạm vi, địa bàn được phân công nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;
- Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Công an. |
Ngoài trang phục, trang thiết bị, phương tiện quy định cho Cảnh sát giao thông, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông, Thông tư quy định cụ thể các vật dụng được trang bị bao gồm: Còi, gậy chỉ huy giao thông, găng tay trắng, áo phản quang, đèn pin, áo mưa Cảnh sát giao thông và ủng đi mưa; Xe môtô, khóa số tám, súng ngắn, bao súng, bộ đàm cầm tay, dây micrô bộ đàm, micrô bộ đàm, gậy điện, loa pin cầm tay và hộp sơn đánh dấu hiện trường; Thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định an toàn và được Bộ Công an trang cấp hoặc cho phép sử dụng; Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của Bộ Công an.
Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật và Bộ Công an.
Chỉ huy, điều khiển giao thông khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ
Thông tư, quy định: Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông đường bộ, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải báo cáo ngay chỉ huy đơn vị trực tiếp của mình, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Bộ Công an về phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Trường hợp vụ tai nạn giao thông không thuộc thẩm quyền thì Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông phải thông báo cho cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để giải quyết; khi đơn vị chức năng đến giải quyết, Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông có trách nhiệm trao đổi tình hình, bàn giao công việc đã thực hiện và phối hợp giải quyết vụ việc (nếu có yêu cầu) theo chức năng, nhiệm vụ đã được quy định.
Triển khai việc bố trí lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến bảo đảm không xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn hoặc kịp thời giải quyết ùn tắc giao thông do tai nạn gây ra.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như: Giải quyết các vụ ùn tắc giao thông đường bộ; Giải quyết trường hợp người vi phạm không chấp hành việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông; xe cơ giới dừng, đỗ gây ùn tắc giao thông; Giải quyết trường hợp xảy ra lũ, lụt, sự cố khác làm cản trở giao thông đường bộ; Giải quyết trường hợp xảy ra vụ gây rối trật tự công cộng làm cản trở đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ...
Mời xem toàn văn thông tư 69/2024/TT-BCA tại đây.