Y tế - Sức khỏe

Đánh thức tiềm năng vùng trồng dược liệu

Phúc An 01/10/2024 16:35

Đắk Nông là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nhiều loài cây dược liệu quý trên quy mô lớn. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về cây dược liệu, những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thúc đẩy sản xuất dược liệu quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Sâm bố chính được trồng nhiều trên địa bàn huyện Đắk Glong. Ảnh: Phúc An

Vùng đất giàu tiềm năng

Địa hình đa dạng, xen kẽ giữa các núi cao hùng vĩ là các cao nguyên đất đỏ bazan rộng lớn, cùng với khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm phù hợp các loài thực vật phát triển và nguồn lao động dồi dào, Đắk Nông được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nhiều loại dược liệu. Huyện Đắk Glong có độ cao trung bình trên 800m với những cánh rừng tự nhiên xanh thẳm, tổng diện tích gần 126ha, độ che phủ rừng 65%.

Giai đoạn 2019 - 2020, Viện Dược liệu, Bộ Y tế đã thực hiện điều tra, đánh giá tiềm năng, hiện trạng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Glong nói riêng. Kết quả, Viện Dược liệu đã xác định, trên địa bàn huyện Đắk Glong có 24 loài/nhóm loài cây thuốc có tiềm năng khai thác tại kiểu rừng cây lá rộng thường xanh thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tà Đùng tại xã Đắk Som, xã Đắk R’Măng và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, xã Quảng Sơn, trong đó có nhiều loài dược liệu quý. Ngoài nguồn dược liệu dưới tán rừng phong phú, tỉnh Đắk Nông còn là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng trồng, sản suất dược liệu. Toàn tỉnh Đắk Nông có 725 loài thực vật, nấm, khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài đã được di thực, nhân giống thành công. Hiện, có khoảng gần 20 loài được triển khai trồng tự phát theo nhu cầu thị trường hoặc theo các chương trình/dự án.

Bà Hoàng Thị Hồng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk Glong cho biết: "Huyện Đắk Glong có gần 16.700ha đất nông nghiệp, với hệ thống sông suối đa dạng, thuận lợi để phát triển kinh tế sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Nhiều loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế, giá trị y tế cao, các loài có nguy cơ tuyệt chủng đã được huyện đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học đưa vào thử nghiệm thành công, hoạt tính đạt yêu cầu theo dược điển. Điều đó chứng tỏ khả năng thích nghi về sinh thái cũng như chất lượng dược liệu đảm bảo cho việc phát triển vùng nguyên liệu dược liệu".

Xây dựng vùng trồng dược liệu quý

Xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng. Nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn xã đã phát triển dược liệu và nhận được kết quả khả quan.

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây dược liệu, ngoài trồng các loại rau, củ theo tiêu chuẩn VietGap, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn mạnh dạn chuyển hướng trồng thêm cây dược liệu. Đến nay, HTX vẫn đang trồng một số cây dược liệu quý, mang lại giá trị cao như sâm bố chính, sâm dương quy, đinh lăng... với diện tích khoảng 30ha.

Không những trồng, nhiều đơn vị còn áp dụng khoa học kỹ thuật chế biến dược liệu. Ảnh: Phúc An

Bà Nguyễn Thị Toản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dược liệu và Dịch vụ thương mại Thịnh Phát cho biết: "HTX hiện có hơn 200 thành viên, với diện tích đất canh tác khoảng 100ha. Qua tìm hiểu, được biết, sâm bố chính có nhiều hoạt chất quý, có giá trị cao trong việc điều trị nhiều chứng bệnh và bồi bổ cơ thể, nên chúng tôi đã trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ. Thu hoạch lứa đầu thấy chất lượng củ đạt cao, chúng tôi mở rộng diện tích trồng xoay vòng vừa rau củ, vừa dược liệu. Hiện nay, HTX có 30 hộ trồng dược liệu, chủ yếu sâm bố chính, mỗi năm thu hoạch vài tấn sâm tươi. Để đảm bảo nguồn ra cho cây dược liệu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các thành viên, HTX liên kết, ký hợp đồng dài hạn với các công ty thu mua và đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến dược liệu".

Phát huy tiềm năng, lợi thế về dược liệu, nhiều HTX, người dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã chuyển đổi trồng cây dược liệu, hình thành vùng nguyên liệu dược liệu lớn của tỉnh. Đến nay, huyện đã đưa vào quy hoạch 5ha đất xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu trên địa bàn xã Quảng Sơn nhằm đảm bảo ổn định, bền vững, hài hòa, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa không ảnh hưởng đến cây trồng lợi thế của địa phương, diện tích trồng cây dược liệu.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong chia sẻ: "Đắk Nông là 1 trong 11 tỉnh được Chính phủ lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cùng với những tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Đắk Glong được đánh giá có nhiều thuận lợi để phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Đến nay, UBND huyện Đắk Glong đã định hướng quy hoạch vùng trồng dược liệu quý cũng như xây dựng nhà máy chế biến dược liệu giai đoạn 1, tập trung chủ yếu tại xã Quảng Sơn và Đắk Ha. Đây là 2 xã có điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai phù hợp với việc trồng và phát triển cây dược liệu".

Phúc An

Phúc An