Kinh tế

Doanh nghiệp Đắk Nông uy tín, ngân hàng sát cánh cho vay

Lê Dung 22/11/2024 15:32

Các doanh nghiệp Đắk Nông đang chủ động xây dựng hình ảnh, uy tín trong sản xuất, kinh doanh, giúp thuận lợi hơn khi tiếp cận vốn tín dụng.

Tạo dựng uy tín

Sau gần 7 năm gia nhập thị trường, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa tự tin rằng, việc vay vốn hiện nay của doanh nghiệp vô cùng thuận lợi.

img_6690.jpg
Sản xuất bánh thanh gạo lứt tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát

Doanh nghiệp chỉ cần đưa hồ sơ và sổ đỏ vào ngân hàng, sau 2 ngày sẽ hoàn tất các thủ tục và được giải ngân ngay. Doanh nghiệp hiện đang vay vốn tại 2 ngân hàng trên địa bàn tỉnh và được hỗ trợ rất chu đáo, với lãi suất ưu đãi.

Theo chia sẻ của Giám đốc công ty Trần Thị Dịu, để có được những thuận lợi này, trước tiên doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có hoạt động mua bán diễn ra và minh chứng được khả năng trả nợ của mình. Đặc biệt, trên sổ đỏ phải thể hiện được đường đi.

Bà Dịu cũng nhớ như in những chật vật của 2 - 3 năm đầu mới đi vào hoạt động. Khi đó, mọi dữ liệu của công ty, giấy tờ, hóa đơn, sổ sách… chưa được đầy đủ. Khi đi vay vốn cũng không chứng minh được nguồn thu hoặc những điều kiện cần thiết theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.

img_6673.jpg
Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát, TP. Gia Nghĩa, hiện đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua sắm máy móc phục vụ sản xuất

Thời gian này được xem là gian nan nhất, bởi mọi vốn liếng đều tập trung đầu tư cho tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc… Nhẩm tính, đến nay, riêng về trang thiết bị, công ty đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng.

Sau vài năm trở lại đây, do làm ăn thuận lợi. Doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất. Các loại giấy tờ, thông tin của doanh nghiệp đầy đủ nên phía các ngân hàng cũng dễ dàng trong việc xét duyệt hồ sơ cho vay. Doanh nghiệp cũng được thông tin kịp thời, cụ thể từ lãi suất, đáo hạn, giải ngân…

Thực tế, để bảo đảm hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp định, nhất là về nguyên liệu dự trữ, duy trì lượng đơn hàng, công việc và thu nhập thường xuyên cho nhân công… bắt buộc doanh nghiệp phải có nguồn vốn lưu động lớn.

“Ngoài nguồn vốn cố định đầu tư cho đất đai, xây dựng nhà xưởng, số vốn lưu động đang chiếm khoảng 50% so với tổng nguồn vốn đầu tư của cả công ty”, bà Dịu thông tin.

img_6828.jpg
Số vốn lưu động đang chiếm khoảng 50% so với tổng nguồn vốn đầu tư của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa)

Giờ việc vay vốn của doanh nghiệp rất thuận lợi. Doanh nghiệp càng lớn, càng dễ vay vốn. Nếu như ở những ngày đầu mới hoạt động, doanh nghiệp có sổ đỏ thế chấp, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 70% giá trị đất, thì nay, khi kinh doanh tốt hơn, mức vay đó đã được nâng lên rõ rệt.

Doanh nghiệp và ngân hàng bắt buộc phải có mối liên hệ mật thiết với nhau để duy trì hoạt động. Khi giao dịch trong nhiều năm, giữa hai bên sẽ hiểu rõ hoạt động của nhau. Khi đó, khó chỗ nào, cần gì thì ngân hàng, doanh nghiệp cùng tháo gỡ.

Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ An Phát

Mối quan hệ cộng sinh

Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng, mà các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong trả nợ nguồn vay.

Sơ chế măng cụt trước khi sấy thăng hoa tại Công ty TNHH MTV Thương mại- xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát, TP. Gia Nghĩa
Sơ chế măng cụt sấy thăng hoa tại Công ty TNHH MTV Thương mại- xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát cho biết, doanh nghiệp được thành lập cách đây gần 6 năm. Khi đó, quy mô rất nhỏ, ban đầu hoạt động chủ yếu là thu mua và bán lại.

Đến năm 2019-2020, công ty mới bắt đầu mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy nhằm mục đích khép kín quy trình từ thu mua đến chế biến nông sản.

Cũng theo bà Hương, kinh doanh nông sản cần nguồn vốn rất lớn. Vì vừa để bao tiêu cho người dân, vừa thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến, khi hàng bán ra, tiền về khá chậm. Vì vậy, chỉ khi nguồn vốn lưu động được bảo đảm, doanh nghiệp mới đủ sức để xoay vòng sản xuất.

img_2768.jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông chia sẻ thông tin về tiếp cận nguồn vốn tại Chương trình "Cà phê doanh nhân"

Bà Hương chia sẻ kinh nghiệm về vay vốn ngân hàng: “Khi có ý định làm việc với ngân hàng, tôi chuẩn bị bộ hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ. Bản thân cũng có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này nên khi làm việc với ngân hàng, tôi chia sẻ toàn bộ mong muốn, kế hoạch và cả những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, được ngân hàng hiểu và đồng hành suốt quá trình khởi nghiệp”.

Hiện nay, trên 90% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp vừa tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động, vừa đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

img_3559.jpg
Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đắk Nông đang tạo việc làm cho lực lượng lớn lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương

Trước nhu cầu cao về vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều ngân hàng đã đưa ra các gói giải pháp tài chính nhằm hỗ trợ cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn và các nhu cầu tín dụng khác phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng cũng cung cấp đa dạng gói vay liên quan đến nhu cầu cấp vốn. Ví dụ như, vốn lưu động ngắn hạn, kỳ hạn vay linh hoạt, phù hợp với phương án kinh doanh cũng như nhu cầu thực tiễn. Khách hàng có thể lựa chọn kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng và phương án kinh doanh tùy theo từng hồ sơ cụ thể…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ chia sẻ: "Vốn là nhựa sống của doanh nghiệp. Việc được vay vốn, có nguồn vốn ổn định sẽ là điều kiện tiên quyết cho bất cứ một doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững. Đó là lý do vì sao hiệp hội luôn chủ động sát cánh cùng các ngân hàng để gỡ khó về tín dụng cho doanh nghiệp".

mt.jpg

Nhờ nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các tổ chức tín dụng cũng đã dành nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, ngân hàng đưa ra những giải pháp giúp đơn giản hóa thủ tục cho vay. Qua đó, ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội cho địa phương.

Lê Dung