Kinh tế

Mở rộng mạng lưới ngân hàng - doanh nghiệp Đắk Nông thêm cơ hội

Nguyễn Lương 22/11/2024 15:22

Mở rộng mạng lưới ngân hàng không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho nền kinh tế mà còn giúp doanh nghiệp Đắk Nông có thêm cơ hội tiếp cận vốn.

Hệ thống ngân hàng được mở rộng

Những năm qua, Đắk Nông đã thu hút được nhiều tổ chức tín dụng đi vào hoạt động. Việc mở rộng mạng lưới tổ chức tín dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn vay, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

2d8567d778a5c1fb98b4(1).jpg
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông

Tại Đắk Nông hiện có 17 tổ chức tín dụng hoạt động. Trong đó, có 8 chi nhánh, 43 phòng giao dịch trực thuộc. Hệ thống tín dụng tại Đắk Nông đang được cải thiện, với sự hiện diện của các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank.

Thời gian gần đây, Đắk Nông là lựa chọn của nhiều tổ chức tín dụng quy mô nhỏ như: Bản Việt Bank, MBBank, VPBank, OCBBank… Sắp tới, tháng 12/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Hệ thống ngân hàng đang hoạt động sôi động, với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng, công ty tài chính. Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các tổ chức này, buộc mỗi ngân hàng phải đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính, phong cách phục vụ…

Các sản phẩm tín dụng không chỉ dừng lại ở các khoản vay truyền thống mà còn mở rộng sang các sản phẩm như: vay tín chấp doanh nghiệp, vay ngắn hạn, vay lưu động, vay thấu chi….

Nhiều tổ chức tín dụng đã phát triển các gói vay linh hoạt với lãi suất ưu đãi. Chính sách xét duyệt thủ tục theo hướng thông thoáng, nhanh chóng để thu hút các khách hàng.

Điều này giúp các doanh nghiệp tại Đắk Nông có thêm nhiều lựa chọn khi tìm kiếm nguồn vốn, dễ dàng tiếp cận các khoản vay.

z6046698607325_cd5e79a2f2aafb6ff08d36908234a7ee(1).jpg
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Chi nhánh Đắk Nông

Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Toàn, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông ) cho biết, trước đây, để vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Quá trình làm thủ tục mất khá nhiều thời gian. Giờ đây, mọi việc đã khác.

“Có thời điểm, 3 - 4 ngân hàng gọi điện cho doanh nghiệp rà soát xem có nhu cầu vay vốn sản xuất hay không. Doanh nghiệp có quyền tham khảo thủ tục, lãi suất, thời hạn cho vay. Từ đây, chúng tôi có thể chọn địa chỉ tin cậy, ưu đãi hơn để vay vốn”, ông Thanh cho biết.

Dưới góc độ tổ chức tín dụng, lãnh đạo Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông nhìn nhận, các tổ chức tín dụng đi vào hoạt động không hẳn là thách thức, mà đó được xem là động lực.

“Động lực để chi nhánh, cán bộ đơn vị chúng tôi cải tiến sản phẩm dịch vụ, phong cách phục vụ, hướng tới khách hàng nhiều hơn”, lãnh đạo Agribank Chi nhánh Đắk Nông chia sẻ.

Để giúp ngân hàng tìm kiếm khách hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức tín dụng tổ chức hội thảo tư vấn tín dụng để giao lưu, trao đổi thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp.

Việc nắm bắt nhu cầu, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn cũng được ngân hàng chú trọng, từ đó, cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng tốt hơn.

z6046698624710_b40958972b7dbc4bfe924815717bcffa(1).jpg
Cán bộ tín dụng Ngân hàng OCB Chi nhánh Đắk Nông giới thiệu, phổ biến các khoản vay cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Các tổ chức tín dụng đã đưa ra những chính sách lãi suất hấp dẫn hơn để thu hút khách hàng. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với mức lãi suất thông thường, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào dịch vụ tài chính, triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử, giúp khách hàng có thể dễ dàng truy cập, sử dụng các dịch vụ tài chính mọi lúc, mọi nơi.

Tiếp tục thu hút các tổ chức tín dụng

Mặc dù, so với những năm trước, Đắk Nông đã thu hút được nhiều tổ chức tín dụng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của địa phương, cũng như các tỉnh lân cận, mạng lưới tín dụng tại Đắk Nông còn tương đối hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động.

Điều này tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp khi tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

z6046711279741_f46a1966af16c97e9edd32ee195e44e4(1).jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Đắk Nông

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Trung ương, địa phương đã tạo điều kiện nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển.

Nếu như trước đây, để mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch, các ngân hàng phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe về vốn điều lệ, khả năng quản trị rủi ro, hiệu quả kinh doanh.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh quy định này theo hướng giảm bớt yêu cầu về vốn tối thiểu, đơn giản hóa thủ tục xin cấp phép.

Điều này giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng tài chính khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính còn hạn chế.

z6046698628421_4c6b95d6edaac3b8b81583bdd45e6c8c.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VPBank Chi nhánh Đắk Nông

“Khi số lượng chi nhánh, phòng giao dịch tăng lên, doanh nghiệp ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Thanh Tình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Việc mở rộng mạng lưới tín dụng mang lại nhiều lợi ích, song vẫn tồn tại một số vấn đề nhất định. Đặc biệt là vấn đề quản lý rủi ro tín dụng khi mở rộng hoạt động tới các khu vực mới.

Việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin tài chính.

Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh công tác giám sát và quản lý rủi ro, yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường năng lực đánh giá tín dụng.

Việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và chính quyền địa phương cũng là giải pháp hiệu quả nhằm nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, từ đó xây dựng các sản phẩm tài chính phù hợp.

z6046711282602_1d42c54408380cf42f14c0beaa2329ca-1-(1).jpg
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank) Chi nhánh Đắk Nông đi vào hoạt động từ đầu tháng 10/2024

Theo ông Tình, để thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đi vào hoạt động một cách thuận lợi, chính quyền địa phương cần thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Về phía chính quyền địa phương nên tạo điều kiện cho phòng giao dịch của các ngân hàng, tổ chức tín dụng thông qua việc giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.

Đắk Nông cần tạo cơ chế đặc biệt để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng và các giấy tờ liên quan cho các tổ chức tín dụng khi đi vào hoạt động.

Ông Phạm Thanh Tình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông

Nguyễn Lương