Kinh tế

Giải pháp khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp Đắk Nông

Nguyễn Lương 23/11/2024 10:31

Doanh nghiệp Đắk Nông đang gặp nhiều rào cản trong tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, đòi hỏi có những giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Doanh nghiệp tự thân vận động

Việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trở thành yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp Đắk Nông phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để nhận được sự tín nhiệm từ các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần chứng minh được giá trị cốt lõi, có năng lực tài chính vững mạnh, phương án sản xuất, kinh doanh tốt và khả năng phát triển bền vững của mình.

hinh-doanh-nghiep-san-xuat-3-(1).jpg
Doanh nghiệp Đắk Nông cần nâng cao năng lực tài chính, phương án sản xuất kinh doanh để tạo niềm tin cho ngân hàng

Theo các tổ chức tín dụng, không ít doanh nghiệp tại Đắk Nông gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện cho vay từ phía các ngân hàng.

Những hạn chế thường thấy như: hồ sơ tài chính thiếu minh bạch, năng lực quản trị còn yếu, tài sản thế chấp không đủ giá trị. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn khi doanh nghiệp không có vốn để phát triển, nhưng lại không thể tiếp cận vốn.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc BIDV Đắk Nông, chi nhánh hiện có 1.720 khách hàng doanh nghiệp. Trong số này có khoảng 125 doanh nghiệp có dư nợ, với số tiền 1.110 tỷ đồng.

Để một doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, nguồn thu, dòng tiền, tình hình sản xuất kinh doanh mới là yếu tố trọng yếu để ngân hàng xem xét.

Đối với BIDV, đây là điều kiện tiên quyết của khách hàng khi thực hiện vay vốn. Vấn đề tài sản bảo đảm chỉ là điều kiện cần để gia tăng uy tín doanh nghiệp tại ngân hàng mà thôi.

img_8641(1).jpg
Ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Đắk Nông

Riêng BIDV đang tìm những doanh nghiệp đủ điều kiện để vay tín chấp. Lãi suất thỏa thuận kênh cho vay này ở mức rất thấp, từ 4,5 - 5%/năm.

Chưa kể, quy trình nộp hồ sơ, xét duyệt, giải ngân được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, giảm thời gian chờ đợi từ vài tuần xuống chỉ còn vài ngày. Tuy nhiên, số doanh nghiệp trong diện này trên địa bàn cực kỳ hiếm.

Để tiếp cận nguồn vốn vay, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) Chi nhánh Đắk Nông chia sẻ, thương hiệu mạnh mẽ là tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn.

Ngân hàng thường ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, tiềm năng phát triển dài hạn. Việc xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng là cách hiệu quả để gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Thu hút các nhà đầu tư vào Đắk Nông thực hiện dự án là một giải pháp để huy động nguồn lực
Doanh nghiệp Đắk Nông cần nâng cao giá trị, uy tín để dễ tiếp cận vốn tín dụng

“Ngoài tài sản cố định, các tài sản vô hình như: bản quyền, sáng chế, thương hiệu cũng có thể được ngân hàng chấp nhận làm tài sản bảo đảm. Doanh nghiệp cần xác định, định giá chính xác các tài sản này để tối ưu hóa khả năng vay vốn”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Về vấn đề này, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phạm Thanh Tình cho rằng, việc tiếp cận vốn ngân hàng không chỉ đơn thuần là vấn đề tài sản thế chấp, mà còn phụ thuộc lớn vào giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Bằng cách minh bạch tài chính, tăng cường quản trị, xây dựng uy tín, các doanh nghiệp sẽ nâng cao khả năng vay vốn, tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

BAN INFOR T4-5
Đồ họa: Nguyễn Hiền

Đơn giản hóa chính sách cho vay

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng mở rộng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi lớn. Doanh nghiệp có thể đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường.

img_8330-1-.jpg
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất khẩu cà phê Hương Quê, huyện Đắk Mil

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất khẩu cà phê Hương Quê, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) mong muốn, các tổ chức tín dụng cần xem xét giảm bớt yêu cầu về tài sản bảo đảm. Thay vào đó là tập trung đánh giá tiềm năng kinh doanh, dòng tiền và uy tín của doanh nghiệp.

Việc áp dụng các mô hình chấm điểm tín dụng, sử dụng dữ liệu số để đánh giá rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn.

“Ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn theo hình thức tín chấp. Ngoài tài sản thế chấp hiện có, những hợp đồng với đối tác có giá trị lớn, hiệu quả kinh tế cao, ngân hàng nên xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn”, ông Quý chia sẻ.

Về vấn đề tiếp cận vốn doanh nghiệp, ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp Thương mại dịch vụ Tùng Vân, huyện Cư Jút (Đắk Nông) nhấn mạnh, vẫn còn khó tiếp cận vốn. Các ngân hàng nên chăng có chính sách đặc thù cho doanh nghiệp vừa, nhỏ tại Đắk Nông.

img_8677-1-.jpg
Các tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn

Bởi vì, nếu theo tiêu chuẩn chung để được vay vốn theo chính sách, nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tại Đắk Nông không đáp ứng đủ điều kiện. Chưa kể, để được vay các gói ưu đãi về lãi suất, doanh nghiệp gặp rất nhiều rườm rà về thủ tục, tốn thời gian, chi phí đi lại.

“Doanh nghiệp thiếu vốn. Ngân hàng thừa tiền. Tuy nhiên, bài toán doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vẫn cứ luẩn quẩn thời gian dài. Các tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn về thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh”, ông Tùng đề xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ nêu, hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo kịp thời nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Tăng trường kinh tế GRDP Đắk Nông năm 2024 có nguy cơ không đạt
Đắk Nông chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Bởi rất nhiều tiêu chí, điều kiện được đưa ra từ các tổ chức tín dụng khác nhau. Các tổ chức tín dụng cần thông thoáng hơn trong thực hiện các điều kiện, thủ tục vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tục vay vốn cần được rút gọn, giảm thiểu các loại giấy tờ không cần thiết. Các tổ chức tín dụng nên triển khai các dịch vụ tư vấn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay một cách nhanh chóng và hiệu quả.

img_5541-ba8171b6263665e1c591ea612f7f3c8b.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông Nguyễn Trí Kỷ

“Chính sách tín dụng nên được điều chỉnh phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp. Ví dụ, các doanh nghiệp nông nghiệp, công nghệ cao hoặc xuất khẩu cần được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn linh hoạt hơn”, ông Kỷ đề xuất.

Theo ông Kỷ, các tổ chức tín dụng cần triển khai các gói vay, với lãi suất ưu đãi dành riêng cho các ngành nghề trọng điểm, doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính trong giai đoạn đầu tư và mở rộng quy mô.

Tạo cơ chế hoạt động thông thoáng

Để khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp, ngoài nỗ lực của chính doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn.

Chính quyền địa phương cần xây dựng cơ chế pháp lý minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc cấp phép, hoạt động tín dụng và xử lý nợ xấu.

“Một môi trường kinh doanh thuận lợi không thể thiếu cơ sở hạ tầng phát triển. Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc tìm kiếm địa điểm mở chi nhánh, nâng cấp các tuyến giao thông, cơ sở viễn thông để phục vụ các giao dịch tài chính”, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông Phạm Thanh Tình chia sẻ.

img_8765(1).jpg
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đắk Nông Phạm Thanh Tình

Theo ông Tình, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan đóng vai trò trung gian, giúp tổ chức tín dụng tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ sản xuất có nhu cầu vay vốn.

Việc xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi hoặc các gói vay phù hợp với đặc thù kinh tế địa phương sẽ giúp nguồn vốn đến được đúng đối tượng cần thiết hơn.

Về vấn đề phối hợp với một số đơn vị liên quan trong xử lý rủi ro ngân hàng lâu nay chỉ mang tính hình thức. Nên chăng các đơn vị phối hợp với nhau thường xuyên, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng tại địa bàn.

8e62c5cc99143f4a6605.jpg
Các ngân hàng Đắk Nông cần xây dựng các chương trình tín dụng ưu đãi hoặc các gói vay phù hợp với đặc thù kinh tế địa phương

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Chi nhánh BIDV Đắk Nông Phạm Quốc Việt đề xuất, chính quyền Đắk Nông cần số hóa các thông tin cơ bản về đất đai một cách rộng rãi, minh bạch để tổ chức tín dụng có nguồn tham khảo về giá bất động sản và quy hoạch tại địa bàn tỉnh.

“Nếu thông tin dữ liệu minh bạch, các tổ chức tín dụng dễ dàng hơn khi tham gia tài trợ vốn cho các dự án lớn, mang tính đặc thù cả tỉnh”, ông Việt cho biết.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp diễn ra ngày 9/10/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh Đắk Nông đang rất khó khăn về nhiều thứ. Chỉ khi nào gỡ vướng được, doanh nghiệp nói riêng và Đắk Nông nói chung mới phát triển được.

“Chúng ta thẳng thắn, nhìn nhận những vướng mắc, khó khăn, cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ kịp thời để tìm tiếng nói chung”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười khẳng định.

img_8716.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông băn khoăn, tại sao các doanh nghiệp trong tỉnh không tiếp cận vốn tại địa bàn mà phải đi ra ngoài vay các tổ chức tín dụng khác. Phải chăng, ngoài mối quan hệ cá nhân, liệu các tổ chức tín dụng tại Đắk Nông quá dè dặt.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh thăm dò số lượng doanh nghiệp đang vay vốn ngoài tỉnh để tiếp nhận ý kiến. Trên cơ sở này, đơn vị tìm ra những giải pháp tháo gỡ từng khó khăn.

img_8183.jpg
Đắk Nông luôn tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, triển khai chính sách kịp thời đến với cộng đồng doanh nghiệp

Còn về phía UBND tỉnh sẽ luôn luôn tạo mọi điều kiện tối đa liên quan đến hoạt động tín dụng. Đắk Nông tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, hiệu quả, triển khai chính sách kịp thời đến với cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể nói, chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cần cùng nhau hợp tác để xây dựng một hệ sinh thái tài chính linh hoạt, minh bạch và hiệu quả. Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua thách thức, từ đó góp phần xây dựng một nền kinh tế năng động và thịnh vượng.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Đắk Nông có 807 trong số khoảng 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động vay vốn từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, với dư nợ gần 7.446 tỷ đồng; chiếm 14,8% trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế tại Đắk Nông

Nguyễn Lương