Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 08:58, 20/11/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 149/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gồm 05 chương, 24 điều. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải quản lý, bảo quản tại kho, nơi cất giữ; chỉ được sử dụng khi có giấy phép sử dụng hoặc đã đăng ký, khai báo theo quy định.


Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao.

Quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

Nghị định nêu rõ, việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và được quy định như sau:

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải quản lý, bảo quản tại kho, nơi cất giữ; chỉ được sử dụng khi có giấy phép sử dụng hoặc đã đăng ký, khai báo theo quy định.

Kho vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định theo thẩm quyền.

Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; có phương án bảo vệ, phương án ứng phó sự cố, nội quy và được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phê duyệt; có thiết bị, phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật để phục vụ quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ bảo quản trong kho, nơi cất giữ, phải sắp xếp gọn gàng, riêng biệt theo từng chủng loại, nhãn hiệu; không để chung các vật liệu, vật dụng dễ cháy nổ với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc vật liệu nổ quân dụng với vũ khí, công cụ hỗ trợ trong cùng kho, nơi cất giữ.  

Về chế độ quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, Nghị định quy định: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ theo dõi; khi xuất vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ ra khỏi kho, nơi cất giữ để sử dụng phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng ý và ghi đầy đủ thông tin vào hồ sơ, sổ theo dõi, có chữ ký xác nhận của người giao, người nhận; sau khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc vật liệu nổ quân dụng không sử dụng hết phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản, quản lý theo quy định.  

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thường xuyên tổ chức kiểm tra kỹ thuật, đánh giá chất lượng, phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị, sử dụng; định kỳ tháng 11 hằng năm báo cáo kết quả bằng văn bản về cơ quan có thẩm quyền trang cấp và cơ quan cấp giấy phép trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng hoặc không thuộc đối tượng được trang bị phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền trang cấp để thu hồi, thanh lý, tiêu huỷ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng, hư hỏng không còn khả năng sử dụng hoặc không thuộc đối tượng được trang bị phải giao nộp cho cơ quan cấp giấy phép trang bị để thu hồi, thanh lý, tiêu hủy theo quy định.

Trường hợp mất vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ hoặc xảy ra sự cố đối với kho, nơi cất giữ phải báo cáo ngay với Công an cấp xã nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ quan trang cấp và cơ quan cấp giấy phép trang bị để có biện pháp xử lý theo quy định.

Người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải có trách nhiệm thống kê, ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi việc cấp phát, tiếp nhận, thu hồi, điều chuyển, điều động, chuyển cấp, hư hỏng, mất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, có biện pháp phòng chống han, gỉ, mối, mọt, ẩm, mốc đối với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thực hiện vệ sinh trong, ngoài kho, nơi cất giữ bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.  

Điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí

Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kinh doanh vũ khí phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ kinh doanh vũ khí; trường hợp tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vũ khí quân dụng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Người quản lý, người có liên quan trực tiếp đến kinh doanh vũ khí phải được huấn luyện về quản lý vũ khí và nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường trong quản lý, bảo quản, vận chuyển vũ khí.

Tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phải là tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh vũ khí và được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Lê Hòa