Đưa Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” du lịch
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:00, 20/11/2024
Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được hình thành trong thời gian dài, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Lâm Đồng xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, động lực dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển. Năm 2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương tăng trưởng mạnh mẽ; phấn đấu đến năm 2030, trở thành “thiên đường xanh”.
“Trụ cột” trong nền kinh tế
Quy hoạch tỉnh đã xác định, đến năm 2030, Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư”, tổ chức tại thành phố Đà Lạt mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho rằng, để bảo đảm thực hiện chủ trương, định hướng nêu trên, Lâm Đồng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, huy động mọi nguồn lực để xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, kinh tế-xã hội dựa trên ba “trụ cột” chính gồm phát triển nông nghiệp hiện đại, công nghiệp theo hướng chọn lọc, phát triển du lịch-dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững.
Trong đó, thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ-du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa-di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế.
Lâm Đồng kết nối trực tiếp của ba vùng kinh tế gồm Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ - khu vực phát triển năng động bậc nhất Việt Nam.
Đây là vùng đất có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch giàu có, đặc sắc; văn hóa dân tộc đa dạng, người dân thân thiện và mến khách; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và hiện đại; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển; nông nghiệp hữu cơ, thông minh và nông nghiệp tuần hoàn được quan tâm đầu tư; liên kết vùng được coi trọng; phát triển khoa học-công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số được thúc đẩy.
“Địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái phong phú, thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng… cùng văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng, tạo nên thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa-lịch sử và du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Theo thống kê, giai đoạn 2022-2024, số lượt khách du lịch đến Lâm Đồng tăng trưởng bình quân gần 66%; du khách qua lưu trú tăng bình quân hơn 58%, khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú. Số phòng lưu trú du lịch đạt chuẩn cao cấp hơn 4.880 phòng, chiếm 12% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và 36,8% tổng số phòng đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao; thu hút hơn 14 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch-dịch vụ. Năm 2023, tỷ trọng ngành du lịch, dịch vụ trong GRDP tỉnh Lâm Đồng là hơn 38%.
“Kết quả về lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu xã hội từ du lịch-dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật và số lao động du lịch đã khẳng định vai trò, vị thế của ngành du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng. Du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng ngày càng khẳng định được thương hiệu, là điểm đến “an toàn, văn minh, thân thiện” đối với du khách trong nước và quốc tế”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Phấn đấu trở thành “thiên đường xanh”
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ: mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh”, với sức hút là các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo đó, cùng với phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch rừng, du lịch thể thao mạo hiểm và du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc… trải rộng trong toàn tỉnh; thời gian qua, Lâm Đồng tiếp tục chú trọng phát huy giá trị thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Bởi vùng đất này kết hợp giữa cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp với nhiều di sản lịch sử-văn hóa, di sản kiến trúc, tự nhiên đa dạng, tạo nên sự trải nghiệm du lịch độc đáo. Đà Lạt và vùng phụ cận còn sở hữu 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, gồm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng đô thị di sản thế giới.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh”, tỉnh đã triển khai đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025. Trong đó, đã đưa vào hoạt động cổng thông tin dalat.vn và ứng dụng “du lịch thông minh” trên điện thoại, bản đồ du lịch thông minh; triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Lạt…
Đồng thời, quy hoạch mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch và tuyến du lịch như cụm du lịch Đà Lạt và vùng phụ cận; cụm du lịch thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; cụm du lịch các huyện phía nam, qua đó khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù, như tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp các hoạt động diễn giải, giáo dục môi trường, tìm hiểu văn hóa, di sản; du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông... Bên cạnh đó, còn có hàng chục tuyến du lịch liên kết vùng, nội vùng gắn với các sản phẩm du lịch “rừng và biển”, “hoa và di sản”...
Theo Giáo sư Jame H. Spencer, Viện Quy hoạch và Phát triển Third Rock (Mỹ), tỉnh Lâm Đồng cần tôn trọng và bảo vệ những giá trị về thiên nhiên, di sản và phát huy hiệu quả những giá trị đặc biệt này. Thành phố Đà Lạt nên được tổ chức là điểm đến cho các sự kiện, du lịch nông nghiệp, điểm đến cho sức khỏe tự nhiên và hồi phục, một điểm xuất phát cho những cuộc phiêu lưu mới và nơi cư trú cho những chuyên gia kinh tế trong khu vực.
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng tập trung hoàn hiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án du lịch tại địa phương; chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; trong phát triển du lịch Lâm Đồng.
Lâm Đồng định hướng đến năm 2030, xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế; hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác các dự án đã chấp thuận đầu tư tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; thu hút đầu tư và tiến hành đầu tư công trình trọng điểm Khu du lịch quốc gia Đankia-Suối Vàng; hoàn thành quy hoạch, thu hút đầu tư và triển khai đầu tư giai đoạn 1 công trình trọng điểm Khu du lịch núi Sa Pung.
Đồng thời, quy hoạch một số khu vực có tiềm năng để thu hút phát triển các dự án du lịch chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia…
Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, để thực hiện mục tiêu “thiên đường xanh”, thời gian tới, địa phương tập trung phát triển toàn diện về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ; đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch; kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao, bền vững và hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.