Gia Lai cải thiện và nâng cao chỉ số xanh
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:47, 20/11/2024
Các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch cho từng ngành, từng lĩnh vực quản lý và tổ chức thực hiện cải thiện chỉ số thành phần được phân công nhằm tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2023, Gia Lai là địa phương có chỉ số PGI thấp, đạt 20,03 điểm; xếp hạng 4 trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, nằm ngoài tốp 30 trong cả nước, không được xếp hạng.
Để cải thiện và tiếp tục nâng cao chỉ số PGI nhằm tạo chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của PGI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong việc duy trì, cải thiện kết quả và nâng cao thứ bậc xếp hạng PGI của tỉnh, góp phần cải thiện đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường, bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phân tích nguyên nhân vì sao tỉnh Gia Lai đạt chỉ số xanh cấp tỉnh thấp cho thấy, trong 46 tiêu chí của 4 chỉ số thành phần có một số tiêu chí cần được duy trì phát huy như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi mức độ ô nhiễm (xếp hạng 1/63), chất lượng môi trường tổng thể tại tỉnh là tốt hoặc rất tốt (xếp hạng 10/63)… cho thấy được lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra môi trường xếp hạng 9/63; tỷ lệ chi phí đầu tư xanh so với tổng chi phí vận hành xếp hạng 11/63; không đầu tư xanh vì thiếu quy định pháp luật ràng buộc xếp hạng 11/63… cho thấy được vai trò, sự quan tâm của các cơ quan quản lý trong công tác môi trường.
Bên cạnh đó, có nhiều tiêu chí cần được xem xét khắc phục, nỗ lực phấn đấu trong thời gian tiếp theo như thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn phiền hà (xếp hạng 61/63); việc thanh, kiểm tra môi trường được thực hiện công bằng (xếp hạng 53/63); tỷ lệ xã, phường có hoạt động thu gom rác thải hằng ngày (xếp hạng 53/63)…
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Gia Lai phấn đấu cải thiện số điểm của các chỉ số thành phần PGI từ 20,03 điểm lên 21,95 điểm; tăng 1,92 điểm so với năm 2023, ngang bằng với số điểm của tỉnh đang đứng ở vị trí thứ 30 năm 2023.
Cụ thể, chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu từ 5,42 tăng lên 6,15 điểm; chỉ số bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu từ 5,86 tăng lên 6,21 điểm; chỉ số vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh Gia Lai trong thúc đẩy thực hành xanh từ 4,02 tăng lên 4,58 điểm; chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong bảo vệ môi trường từ 4,73 tăng lên 5,01 điểm.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số thành phần của PGI; đồng thời yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch cho từng ngành, từng lĩnh vực quản lý và tổ chức triển khai thực hiện cải thiện chỉ số thành phần được phân công.
Trong đó, rà soát, đề xuất các giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số PGI cấp tỉnh; giải quyết theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp.
Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Không chỉ đánh giá những nỗ lực của chính quyền cấp tỉnh trong khuyến khích phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững theo hướng đầu tư xanh và đổi mới có chất lượng cao, mà chỉ số xanh cấp tỉnh còn thúc đẩy các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Thái Như Hiệp cho rằng, khi tìm hiểu để hợp tác, các đối tác quốc tế rất quan tâm đến việc xây dựng doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi luôn xây dựng phương pháp canh tác và sản xuất bảo đảm bảo tồn đa dạng sinh học, giảm lượng khí thải, nước thải, phân bón, thuốc hóa học ảnh hưởng đến môi trường. Xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch không chỉ có lợi cho môi trường mà còn đem lại giá trị sức khỏe của người tiêu dùng và người lao động”, ông Hiệp khẳng định.
Thứ hạng PGI một mặt sẽ khẳng định vai trò của chính quyền tỉnh trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh, mặt khác sẽ tác động, dẫn dắt các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường, đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại Gia Lai nói riêng, đang ngày càng nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai Đinh Hữu Hòa, phát triển kinh tế xanh, bền vững là một trong những định hướng quan trọng của tỉnh. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra các giải pháp khắc phục thứ hạng chỉ số này cho năm 2024 và những năm tiếp theo. Với vai trò của mình, sở sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường cũng như định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường.