Giáo dục - Đào tạo

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo

Văn Toản 20/11/2024 17:56

Chính sách tiền lương, phụ cấp và hỗ trợ đối với nhà giáo là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 20/11.

Quy định rõ mức độ ưu tiên cho nhà giáo ngành ở ngành nghề đặc thù

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo vẫn chưa tạo động lực mạnh mẽ, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại biểu, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp (Điều 27) là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo ảnh 1
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh). (Ảnh: Duy Linh)

Việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. “Nhà giáo không cảm thấy được bảo đảm về thu nhập, đặc biệt ở các vùng khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này”, đại biểu phân tích.

Từ đó, đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, bảo đảm công bằng, hiệu quả.

Về chế độ nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc tại Điều 30 và Điều 31, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ lương hưu chỉ áp dụng cho một số đối tượng có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhà giáo. Quy định về kéo dài thời gian làm việc, mà chưa xem xét đầy đủ nhu cầu và nguyện vọng của nhà giáo ở các bậc học khác nhau ngoài đại học. Từ đó, một số nhà giáo giỏi không có cơ hội cống hiến thêm, trong khi đội ngũ kế cận chưa được chuẩn bị tốt.

Đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu, bao gồm nhà giáo ở tất cả các bậc học và vùng khó khăn. Đồng thời, xem xét kéo dài thời gian làm việc không chỉ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, mà còn cho những nhà giáo có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi hiện đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo đại biểu, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp. Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo ảnh 2
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

“Cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác”, đại biểu đề xuất.

Cũng quan tâm đến chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.​

Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo

Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay, khi quyền của học sinh và phụ huynh được đề cao thì dường như quyền của nhà giáo đang bị xem nhẹ, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự nói chung và nhân phẩm, danh dự trên không gian mạng nói riêng.

Đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo.

Cụ thể, tại điểm b, Mục 3, Điều 11 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh). (Ảnh: Duy Linh)

Theo đại biểu, quy định này không vướng với các quy định về phát ngôn hay có bất cứ yếu tố “bênh vực” nào cho nhà giáo. Đồng thời, điều này cũng không đồng nghĩa việc dung túng, bao che cho các nhà giáo vi phạm đạo đức, vi phạm chuẩn mực nhà giáo mà là bảo vệ hình ảnh nhà giáo nói chung, tránh tình trạng “vài con sâu làm rầu nồi canh”.

Trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng quy định như trên là cần thiết để bảo vệ nhà giáo. Bên cạnh đó, nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định.

“Tuy nhiên, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý của người học. Vì vậy, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là chính là hàng triệu chủ nhân tương lai của đất nước”, đại biểu phân tích.

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An) cũng đồng tình việc quy định cụ thể trong dự án Luật nội dung về bảo vệ nhà giáo để họ an tâm công tác, cống hiến hiệu quả trong giảng dạy. Điều này cũng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và những yếu tố khác...

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo ảnh 4
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (đoàn Nghệ An). (Ảnh: Duy Linh)

Theo đại biểu, nhà giáo cần được bảo đảm môi trường an toàn trong hoạt động nghề nghiệp. Bên cạnh những quy định của dự thảo Luật về quyền nhà giáo được thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp, tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật phân tích các quy định hiện hành đối với nhà giáo chỉ đề cập đến việc cấm nhà giáo thực hiện mà chưa có những quy định về việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngoài nhà trường không được làm đối với giáo viên.

Báo cáo cũng thiếu các quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; thiếu các chính sách để xây dựng môi trường làm việc an toàn để nhà giáo an tâm công tác cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả, tránh những can thiệp tiêu cực, thậm chí là xúc phạm nhà giáo trong các hoạt động nghề nghiệp như một số vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây.

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên né tránh, ngại xử lý vi phạm của học sinh, hạn chế trao đổi thông tin đối với gia đình và học sinh; làm gia tăng tình trạng lệch chuẩn trong nhà trường, gia tăng bạo lực học đường, gia tăng và phát sinh những căn bệnh xã hội đối với tuổi học trò.

Do đó, đại biểu cho rằng cần bổ sung những quy định về quyền nhà giáo trước những tác động của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nhà trường. Đối với nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, cần khuyến khích việc áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường và có những quy định cụ thể từ phía ngành, sự ủng hộ của gia đình và phụ huynh cũng như của xã hội.

Văn Toản