Doanh nghiệp Đắk Nông đầu tư bảo quản nông sản
Việc đầu tư vào hệ thống kho lạnh, bảo quản, chế biến nông sản đang là hướng đi lâu dài của các doanh nghiệp Đắk Nông.
Tiết kiệm chi phí sản xuất
Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Yến Nhi, huyện Tuy Đức hiện đang có gần 200ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng.
Ông Vũ Đình Chiện, đại diện công ty cho hay, mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 100 tấn sầu riêng đông lạnh qua thị trường Trung Quốc.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, ngoài diện tích liên kết trồng, doanh nghiệp còn thu mua sầu riêng ở các tỉnh lân cận.

“Nguồn nguyên liệu lớn nên việc đầu tư vào công nghệ cấp đông và kho lạnh là rất cần thiết. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống nhà xưởng với gần 2.000m2 và các kho đông lạnh đạt chuẩn”, ông Chiện thông tin.
Doanh nghiệp hiện đang có 4 kho trữ và 3 kho cấp đông, với sản lượng trữ là gần 140 tấn. Để phục vụ xuất khẩu sầu riêng trực tiếp đang đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn từ phía doanh nghiệp.
Ví dụ như trước kia chỉ đầu tư kho trữ, với âm 18 độ C, giờ đầu tư kho lạnh phải đạt được âm từ 4-5 độ C.
Nhờ đó, thời gian qua, công ty không phải lo lắng về việc bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Chất lượng nông sản xuất khẩu được nâng lên, nhất là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tương tự, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, TP. Gia Nghĩa cũng đầu tư các kho lạnh để cấp đông các loại nông sản, trái cây phục vụ xuất khẩu chính ngạch qua thị trường các nước.
Giám đốc Công ty Lầu Kiều Vân cho hay, nông sản được bảo quản đông lạnh mang lại nhiều lợi ích so với việc xuất khẩu trái tươi như trước đây.
Hiện tại, doanh nghiệp chỉ cần tập trung nhân lực cho việc sơ chế và chế biến sâu các loại nông sản. Công ty không còn lo lắng về thời gian bảo quản ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hàng hóa. Giờ đây, các mặt hàng của công ty có thể cung ứng ra thị trường quanh năm.
Nhờ có các kho bảo quản nguyên liệu, các loại nông sản được phân loại, sơ chế ngay tại nhà máy, lược bỏ hết phần vỏ. Từ đó, góp phần tiết kiệm được gần 70% chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp. Giá trị các mặt hàng nông sản phục vụ thị trường xuất khẩu tăng cao rõ rệt.
Đầu tư đồng bộ
Đắk Nông hiện có đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp. Một số mặt hàng nông sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, để hướng tới xuất khẩu bền vững, việc phát triển các loại hình dịch vụ logistics nông nghiệp, đầu tư hệ thống kho lạnh, trung tâm chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng.
Cùng với việc tìm kiếm, mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu, việc đầu tư vào chế biến sâu, bảo quản nông sản sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển ổn định và bền vững.
Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng mong muốn có thêm các trung tâm, kho lạnh đủ điều kiện, với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu về dự trữ và bảo quản nông sản.
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ mong muốn địa phương hỗ trợ, kêu gọi đầu tư trung tâm, kho đông lạnh quy mô lớn.
Bởi hiện nay, số lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh cần cấp đông, bảo quản rất lớn. Việc đầu tư phát triển các dịch vụ kho lạnh sẽ giúp tránh tình trạng từng doanh nghiệp đầu tư manh mún, thiếu tính đồng bộ.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Địa phương cũng thu hút, phát triển công nghiệp sản xuất vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất, chế biến nông sản.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 23%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt khoảng 20%.