Giáo dục - Đào tạo

Trường THPT Lương Thế Vinh bền bỉ gieo chữ nơi vùng biên

Hoàng Dương 19/11/2024 09:30

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, các thầy, cô giáo Trường THPT Lương Thế Vinh, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song (Đắk Nông), vẫn kiên trì, bền bỉ gieo chữ nơi vùng biên Đắk Song.

Mang tri thức đến vùng biên

Theo cha mẹ rời Ninh Bình từ năm 2 tuổi, từ lâu, mảnh đất Đắk Nông đã trở thành quê hương thứ 2 của cô giáo Đỗ Thị Kim Huế. Cô Huế hiện đang là giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh, đứng chân trên địa bàn xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.

dscf7889(1).jpg
Cô giáo Đỗ Thị Kim Huế là một trong số những giáo viên đầu tiên về công tác tại Trường THPT Lương Thế Vinh khi trường được thành lập

Tâm sự về chuyện nghề, cô Huế cho biết, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học, từ nhỏ, cô Huế đã có ước mơ trở thành giáo viên. "Hình ảnh quê hương mình nơi biên thùy đầy nắng và gió đã góp phần bồi đắp tâm hồn văn chương, nuôi dưỡng trong tôi tình yêu với văn học. Vì vậy, tôi đã quyết định theo học và trở thành nhà giáo với mong muốn truyền ngọn lửa đam mê văn học tới các em học sinh”, cô giáo Huế chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Huế xin về dạy học tại Trường THPT Đắk Song, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song. Đến năm 2017, khi Trường THPT Lương Thế Vinh được thành lập, cô Huế cùng 17 giáo viên khác của trường THPT Đắk Song chuyển về công tác tại Trường THPT Lương Thế Vinh theo phân công, điều động.

“Tôi vẫn còn nhớ, sau khi học xong cấp II, vì địa phương không có trường cấp III nên tôi phải đi học ở Đắk Mil. Cho nên tôi rất hiểu nỗi vất vả của học sinh khi phải đi học xa nhà. Hiện nay, xã Thuận Hạnh đã có trường THPT, học sinh không phải đi học xa nên tôi mừng lắm. Tôi cũng rất mừng vì là một trong số những cô giáo đầu tiên về dạy học tại trường, ngay trên quê hương thứ 2 của mình”, cô giáo Huế cho biết.

dscf7923(1).jpg
Đối với cô Huế, chính tinh thần hiếu học của các em học trò vùng biên là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để cô tiếp tục yêu và giữ lửa với nghề cho tới tận bây giờ

Theo cô giáo Huế, điều đáng trân quý là tuy ở vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn nhưng học sinh nơi đây rất hiếu học, chăm chỉ. “Trong 2 năm đầu thành lập trường, đội tuyển môn Ngữ văn do tôi và các thầy, cô giáo bồi dưỡng đã có 4 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong đó, học sinh Hoàng Thị Mến còn nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. Những kết quả này là động lực để cô và trò chúng tôi nỗ lực, vượt qua khó khăn về điều kiện, cơ sở vật chất, vươn lên trong giảng dạy và học tập. Chính tinh thần hiếu học của học sinh vùng biên giới là nguồn cổ vũ, động viên để tôi tiếp tục yêu và giữ lửa với nghề”, cô giáo Huế tâm sự.

Là một trong số những cô giáo trẻ mới về công tác tại trường, cô giáo Dương Thị Phượng (SN 1997), giảng dạy môn Tiếng Anh mong muốn có thể giúp các học sinh vùng biên giới được tiếp cận tri thức, trở thành công dân toàn cầu.

dscf7965(1).jpg
Cô giáo Dương Thị Phượng là một trong số những thầy cô giáo trẻ mới về công tác tại trường

Năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học, cô giáo Phượng có khoảng thời gian dạy Tiếng Anh ở một trường tư thục tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Công việc ổn định, thu nhập cao, lại được giảng dạy trong môi trường quốc tế, cơ sở giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, cô giáo Phượng vẫn luôn ấp ủ ý định quay trở về quê nhà để dạy Tiếng Anh cho các em học sinh ở nơi mình sinh ra và lớn lên.

dscf7960(1).jpg
Để giúp học trò học tập tốt và tạo niềm yêu thích với môn Tiếng Anh, cô giáo Phượng thường áp dụng phương pháp dạy học mới, sáng tạo

Để giúp học trò học tập tốt và có niềm yêu thích với môn Tiếng Anh, cô giáo Phượng thường áp dụng phương pháp học mới, sáng tạo. "Tiếng Anh chính là chìa khóa giúp các em kết nối với thế giới, với tri thức toàn cầu. Tôi luôn cố gắng đem kiến thức mà mình học được truyền đạt, mở thêm cánh cửa cho các em học sinh bước ra thế giới”, cô giáo Phượng tâm sự.

Học sinh Phạm Gia Huy, lớp 12A1 cho biết, thay vì các phương pháp học truyền thống, các tiết học của cô giáo Phượng thường rất sôi động với các trò chơi và thảo luận sôi nổi. Những hoạt động thú vị trong lớp học, vừa kích thích niềm đam mê ngoại ngữ, vừa thúc đẩy học sinh năng động và tự tin hơn khi sử dụng ngoại ngữ.

Nâng cao chất lượng dạy học

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường được thành lập theo Quyết định số 1012/QĐ-UBND ngày 10/7/2015 của UBND tỉnh Đắk Nông, được cấp phép hoạt động theo Quyết định số 04/QĐ-SGDĐT ngày 9/1/2017 của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông. Năm học 2024 -2025, Trường THPT Lương Thế Vinh có 535 học sinh, với 13 lớp.

Theo ông Chiến, do đặc điểm địa bàn vùng biên giới, xa xôi nên điều kiện học tập của học sinh tại đây còn nhiều thiếu thốn so với ở thành phố lớn. Tuy vậy, những năm qua, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy, cô giáo đã nỗ lực, quyết tâm để các em học sinh của mình được tiếp cận và được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất.

dscf8038(1).jpg
Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Ban Giám hiệu nhà trường cùng nỗ lực của các thầy, cô giáo Trường THPT Lương Thế Vinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng biên giới Đắk Nông

Để đáp ứng yêu cầu từng bước đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường không ngừng nâng cấp hoàn thiện về cơ sở vật chất. "Nhiều hạng mục công trình được đầu tư, xây dựng như: các phòng học chức năng, thư viện, phòng thiết bị, nhà làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cơ sở vật chất hoàn thiện, tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia", ông Chiến cho hay.

dscf8026(1).jpg
Để đáp ứng yêu cầu từng bước đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường không ngừng nâng cấp, hoàn thiện về cơ sở vật chất

Cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường hiện tại có 32 người, trong đó, đội ngũ giáo viên gồm 26 thầy, cô giáo đạt chuẩn đào tạo. Đội ngũ giáo viên được đào tạo, giảng dạy theo hướng “Phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh”.

Năm học 2023–2024, trường đã đạt được những thành tích ấn tượng, với 8 giải học sinh giỏi cấp tỉnh và 12 huy chương trong kỳ thi Olympic 23/3. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 97,18%, chứng minh sự tiến bộ đáng kể về chất lượng giáo dục vùng biên.

Ghi nhận nỗ lực của thầy, trò, nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Chính phủ, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen.

dscf8048(1).jpg
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thành tích mà cô, trò Trường THPT Lương Thế Vinh đạt được đã cho thấy chất lượng giáo dục ở vùng biên giới Đắk Nông đang có sự chuyển biến đáng kể

Dù còn nhiều khó khăn, những thành tích đạt được của thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh đã khẳng định nỗ lực vượt bậc của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng biên giới Đắk Nông.

Hoàng Dương