Pháp luật

Đắk Nông hòa giải thành công 75% vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở

Hoàng Thanh 18/11/2024 09:12

Đắk Nông chú trọng hòa giải cơ sở (HGCS), giúp giải quyết được nhiều mâu thuẫn, xích mích, góp phần giữ đoàn kết trong cộng đồng.

Sau 10 năm thi hành Luật HGCS, tỷ lệ hòa giải thành công ở Đắk Nông đã tăng gần 20%. Các tổ hòa giải tại các thôn, tổ dân phố được xây dựng, củng cố và dần đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả.

333(1).jpg
Tổ hòa giải cơ sở xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) gặp gỡ hộ dân trước khi tiến hành hòa giải

Thành phần các tổ HGCS bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: già làng, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, đại diện hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên...

Tùy từng địa bàn, tổ HGCS có sự bầu chọn và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Theo đánh giá của ngành chức năng, các tổ HGCS được tổ chức khá bài bản nên hoạt động có hiệu quả, số lượng vụ việc hòa giải thành công đạt tỷ lệ tương đối cao.

Hàng năm, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư xảy ra trên địa bàn tỉnh khoảng 900 vụ. Trong đó, số vụ việc hòa giải thành công trung bình đạt trên 75%.

444(1).jpg
Tổ hòa giải xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp thực hiện một vụ hòa giải

Kết quả này đã góp phần tích cực trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Tính đến 2024, Đắk Nông có 714 tổ hòa giải cơ sở, với tổng số 4.202 hòa giải viên. Bình quân mỗi tổ hòa giải có từ 5 - 7 hòa giải viên. Các tổ hòa giải hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Sở Tư pháp, công tác HGCS trong thời gian qua có một số tồn tại, hạn chế. Một số nơi hoạt động hòa giải mang tính hình thức, chiếu lệ hoặc hành chính hóa, làm mất đi ý nghĩa, mục đích, bản chất tự nguyện, tự thỏa thuận.

Nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải nhưng chưa kịp thời hòa giải, dẫn đến mâu thuẫn, chuyển sang xung đột, tạo điểm nóng về an ninh, trật tự.

11(1).jpg
Tổ hòa giải xã Long Sơn, huyện Đắk Mil thảo luận trước khi thực hiện một vụ hòa giải

Năng lực hòa giải viên một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải. Hòa giải viên chưa thực sự gần dân, sát dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân.

Khả năng phân tích tìm nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn chưa tốt, dẫn đến thiếu thuyết phục, khó hòa giải, thậm chí gây thêm mâu thuẫn giữa các bên.

Một số địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực bảo đảm triển khai công tác hòa giải. Công tác khen thưởng, biểu dương hòa giải viên giỏi chưa được quan tâm đúng mức; chưa chú trọng việc nhân rộng mô hình hòa giải viên cơ sở hoạt động hiệu quả.

Cũng theo Sở Tư pháp, để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của MTTQ và tổ chức đoàn thể về công tác HGCS.

Các địa phương cần kịp thời bổ sung, kiện toàn hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng. Trong đó, cần lựa chọn những người có tâm huyết, trách nhiệm, có ý thức xây dựng cộng đồng, có uy tín, kinh nghiệm trong cuộc sống và có kiến thức pháp luật tham gia công tác HGCS.

Ngoài ra cần bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, tăng mức chi cho vụ việc hòa giải thành công; tăng cường, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về HGCS…

Hoàng Thanh