Giáo dục - Đào tạo

Gian nan xoá mù chữ vùng dân tộc thiểu số Đắk Nông

Dương Phong 18/11/2024 08:48

Xóa mù chữ (XMC) giúp bà con biết đọc, biết viết và mở ra cơ hội tiếp cận với công nghệ, hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hành trình XMC ở Đắk Nông còn nhiều thử thách.

Tự tin nhờ biết chữ

Đều đặn mỗi tối, từ thứ 2 đến thứ 6, sau bữa cơm, vợ chồng ông Y Ven (60 tuổi) và bà H'Phon (47 tuổi) lại gom sách vở vào chiếc túi thổ cẩm, xách đèn pin lội bộ hơn 2km đến điểm trường Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, bon Jun Júh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil để học chữ.

Xoa mu chu 1
Những học viên tham gia lớp XMC tại bon Jun Júh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil

Lâu nay, bà H'Phon gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi không biết chữ. Bà đi làm giấy tờ tại xã không thể ký tên mà chỉ biết điểm chỉ… Khát khao được biết chữ là mong ước lâu nay của người phụ nữ cận kề tuổi 50.

Giữa năm 2023, Trường tiểu học Bùi Thị Xuân mở lớp XMC miễn phí, bà H'Phon liền đăng ký học. Không chỉ bản thân, bà H'Phon còn đăng ký cho cả chồng. Ban đầu, người phụ nữ M’nông chỉ mong chồng đi học một vài buổi để bớt uống rượu.

Nhưng từ ngày quen lớp, biết mặt chữ, ông Y Ven thay tính đổi nết, không còn chìm đắm trong men rượu mỗi khi chiều về. "Chồng tôi giờ bỏ dần được rượu, lo học con chữ, chăm làm ăn hơn trước. Cả nhà tôi mừng lắm", bà H'Phon phấn khởi.

Từ khi lớp học XMC được khai giảng, 27 học viên là đồng bào M'nông trong bon Jun Júh đã đăng ký học. Sau khi hoàn thành lớp 1, bà con tiếp tục theo học lớp 2. Anh Y Hội, Lớp trưởng của Lớp XMC chia sẻ: "Bà con quen cầm cuốc nên việc cầm bút rất khó. Có người do tuổi cao, mắt kém, tiếp thu chậm… nên ban đầu có hơi nản chí, tính bỏ ngang lớp học. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của giáo viên, động viên của chính quyền, bà con đã cố gắng theo học".

Cuối tháng 10/2024, bà Triệu Mùi Gển, thôn 4, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong đón niềm vui khi được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp XMC. Biết được con chữ, thực hiện những phép tính cơ bản, chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh thì tất cả các nhu cầu thiết yếu của người phụ nữ dân tộc Dao này được đáp ứng nhanh chóng.

Bà Triệu Mùi Gển cho biết: “Mặc dù đã lớn tuổi, khi tiếp nhận ngôn ngữ mới nhưng tôi và mọi người trong lớp đều cố gắng để biết đọc, biết viết, tính toán thành thạo. Biết chữ, người dân chúng tôi dễ dàng tiếp cận các kiến thức, tăng thêm hiểu biết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế”.

Trước đây, học viên Lục Thị Tà chỉ dùng điện thoại để xem phim, hình ảnh thì sau khi học xong lớp xóa mù chữ giai đoạn 2, bà đã đọc được báo trên điện thoại, lưu danh bạ bạn bè bằng tên người chứ không dùng ký hiệu ghi nhớ như trước
Trước đây, học viên Lục Thị Tà chỉ dùng điện thoại để xem phim, hình ảnh thì sau khi học xong lớp XMC giai đoạn 2 (Ảnh: Sùng A Trư)

Với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dù con chữ đến muộn nhưng mang theo sự hi vọng đổi đời. Bởi từ đây, bà con thuận lợi hơn khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế gia đình.

Bà Lục Thị Tà chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ sử dụng điện thoại để nghe và gọi nhưng từ ngày biết chữ, tôi đã sử dụng để vào mạng, đọc tin tức. Biết chữ, chúng tôi cũng tự tin hơn khi đi đến địa phương khác hoặc mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản”.

Theo ngành chức năng, công tác xóa mù chữ trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là huy động học viên đến lớp
Học viên là người dân tộc Mông tham gia lớp học XMC vào buổi tối tại điểmTrường tiểu học La Văn Cầu

Còn nhiều thách thức

Theo Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, tỷ lệ người mù chữ của địa phương chiếm khoảng 10% tổng dân số toàn huyện. Bằng những giải pháp thiết thực, UBND huyện Đắk Glong tổ chức hoàn thành các lớp XMC. Cụ thể, từ 2019 - 2024, toàn huyện đã mở hơn 35 lớp XMC, thu hút trên 1.000 học viên tham gia. Mỗi năm, ngành Giáo dục đã thực hiện giảm từ 4,69% đến 5% tỷ lệ người mù chữ.

Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong cho biết, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ có học viên tham gia lớp XMC được hỗ trợ kinh phí. Hiện phần lớn các lớp XMC trên địa bàn huyện duy trì được là nhờ huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa và giáo viên tự nguyện đứng lớp giảng dạy.

phu-nu-xoa-mu-chu_dak-nong-2023_duong-phong_1.jpg
Học viên tham gia lớp XMC tại cụm dân cư số 8, xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong

“Việc tổ chức, duy trì các lớp học XMC góp phần nâng cao trình độ dân trí cho bà con đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn ngân sách Trung ương không bố trí kinh phí để chi trả cho người dạy, trong khi đó, nguồn ngân sách địa phương không bảo đảm việc này”, bà Hằng cho hay.

img_2910.jpg
Theo ngành chức năng, công tác XMC trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là huy động học viên đến lớp

Ông Trần Văn Vượng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil cho biết, học viên các lớp XMC là lao động chính trong gia đình, ngày đi làm, tối đi học nên không duy trì đều sĩ số. Mặt khác, do mùa mưa kéo dài, các học viên đi làm ở xa không về tham gia lớp học; khi đến mùa thu hoạch, bà con lại tập trung làm kinh tế, dẫn đến việc nhiều học viên nghỉ học giữa chừng.

“Nhiều hộ gia đình chuyển chỗ ở, có hộ gia đình ở trong rẫy cách xa trung tâm xã để làm kinh tế. Điều này gây khó khăn cho ngành chức năng trong việc theo dõi, cập nhật và quản lý đối tượng phổ cập cũng như vận động đối tượng trong độ tuổi ra lớp phổ thông, lớp XMC”, ông Vượng thông tin.

Báo cáo số 97/BC-HĐND, ngày 29/11/2023 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về kết quả khảo sát việc triển khai thực hiện công tác XMC cho người DTTS và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 13.072 người mù chữ. Công tác khuyến học, khuyến tài, phổ cập giáo dục, XMC được quan tâm đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ người mù chữ giảm qua từng năm. Đặc biệt là công tác XMC cho người DTTS được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc vận động người dân ra lớp tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Sĩ số học viên tham gia lớp XMC chưa thường xuyên, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỷ lệ huy động người học XMC ở vùng đồng bào DTTS còn thấp. Một số huyện còn nhiều người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn XMC nhưng không huy động hoặc huy động được rất ít người ra học. Nguồn kinh phí địa phương để tổ chức thực hiện các lớp XMC chưa được quan tâm bố trí, một số địa phương có số lượng người chưa biết chữ nhiều không đủ khả năng cân đối, bố trí kinh phí tổ chức mở lớp...

Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với Sở GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc XMC sẽ giúp giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, XMC các cấp theo Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả XMC phải được quan tâm đưa vào chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Dương Phong