Khởi sắc từ những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông
Nhóm hàng công nghiệp chế biến đang duy trì vị thế chủ lực trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông thời gian qua.
Những sản phẩm chủ lực
Cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông trong suốt những năm qua. Đắk Nông hiện có nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê phục vụ xuất khẩu như: Công ty TNHH Olam Việt Nam; Intimex Đắk Nông; Công ty TNHH Hồng Đức…
Mặt hàng cà phê của Đắk Nông hiện được xuất khẩu qua các thị trường như: Singapore, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Trung Quốc, Thụy Sĩ…
Theo kế hoạch, cả năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu cà phê là 280 triệu USD, tăng 70,6% so với năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê Đắk Nông đạt 228,9 triệu USD, tăng 75,9% so với kế hoạch.
Tương tự, mặt hàng tiêu đen của Đắk Nông cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Hiện mặt hàng này đang xuất khẩu qua các thị trường như: Singapore, Africa, Trung Quốc, Australia, Canada, Anh, Newzeland. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hạt tiêu đen chủ yếu là Công ty TNHH Olam Việt Nam.
Dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tiêu đen là 90 triệu USD, tăng 48,8% so với năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đen Đắk Nông thực hiện được 69,8 triệu USD, tăng 35,3% kế hoạch.
Theo Sở Công thương Đắk Nông, kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh trong 10 tháng năm 2024 thực hiện được 801,6 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 79,22% kế hoạch năm.
Tiếp nối đà phục hồi, sản xuất công nghiệp chế biến của Đắk Nông tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế nội tỉnh.
Nhóm các sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm qua bao gồm: cà phê, tiêu đen, hạt điều, alumin…
Trong đó, mặt hàng xuất khẩu cà phê, tiêu mặc dù có sản lượng giảm so với cùng kỳ, nhưng do giá tăng cao nên giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Đắk Nông thực hiện được 1 tỷ USD, đạt kế hoạch và tăng 14,9% so với năm 2023.
Mở rộng thị trường
Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, công nghiệp chế biến luôn là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu.
Để hỗ trợ, thời gian qua, ngành Công thương Đắk Nông đã tổ chức cũng như đăng ký cho nhiều doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tìm kiếm thị trường.
Thông qua các hội chợ triển lãm, giao thương nước ngoài đã được các doanh nghiệp tham gia một cách thực chất. Từ đó, doanh nghiệp có thêm cơ hội kinh doanh, bán hàng, mua hàng cũng như tìm đối tác đầu tư từ những thị trường này.
Đắk Nông đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có quy mô xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cao như: nông sản, trái cây đã qua chế biến, alumin... gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Địa phương đã xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, phù hợp với điều kiện của tỉnh, vừa đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa hỗ trợ hoạt động xuất, nhập khẩu.
Tỉnh tăng cường kết nối hiệu quả giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả và nguồn gốc xuất xứ.
Hiện Đắk Nông đang xây dựng cũng như hoàn thiện và phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh daknongtrade.gov.vn để kết nối với các sàn trong nước và quốc tế.
Tại Đề án tái cơ cấu ngành Công thương đến năm 2030 nêu rõ, Đắk
Nông sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm
năng thị trường.
Trong đó, tỉnh sẽ gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất
khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa lớn.
Ngành Công thương Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu các loại hàng hóa công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 90%.