Chính sách

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 2: 'Ngộp thở' vì sân chơi không công bằng

PV

Xu hướng truyền thông mạng xã hội và tình hình kinh tế khó khăn khiến thu nhập của các tờ báo chính thống và những người làm báo ngày càng giảm sút thê thảm.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 2: 'Ngộp thở' vì sân chơi không công bằng - Ảnh 1.
Số lượng phát hành báo giấy đều sụt giảm mạnh, doanh thu ngày càng teo tóp. Ảnh: Thanh Hiệp

Thời đại Internet đang chứng kiến cuộc cạnh tranh vô cùng quyết liệt giữa báo chí chính thống với các trang tin, mạng xã hội và những nhà sáng tạo nội dung số (KOL, KOC, reviewer...). Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các bên.

Bị cạnh tranh không công bằng

"Quảng cáo trên báo chính thống khó bao nhiêu thì quảng cáo trên các trang tin, mạng xã hội hay qua các nhà sáng tạo nội dung số dễ bấy nhiêu", giám đốc một công ty truyền thông quảng cáo tại TP.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ khi so sánh việc đi "book" (đặt chỗ) quảng cáo.

Theo vị này, một doanh nghiệp, thương hiệu hay sản phẩm muốn đăng quảng cáo trên báo chính thống phải cung cấp nhiều loại giấy tờ (giấy phép kinh doanh, chứng nhận sản phẩm, các xác nhận tiêu chuẩn, chất lượng...) đúng theo quy định luật pháp VN và phải đúng theo quy trình của các cơ quan báo chí.

Trong khi cũng với chi phí đó, doanh nghiệp quảng cáo có thể "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội, trang tin hay "book" các nhà sáng tạo nội dung số.

Phần lớn các quảng cáo này chẳng cần giấy tờ như với báo chính thống mà chỉ cần tiền là có thể dễ dàng chạy các chiến dịch quảng cáo theo nội dung như ý muốn.

"Đó là chưa kể quảng cáo trên các trang tin, mạng xã hội hay nhà sáng tạo nội dung số cho ra kết quả định lượng dễ dàng với những con số cụ thể. Còn với báo chính thống sẽ rất khó, nếu có cũng thường rất thấp do các quy định về quảng cáo của tờ báo cũng như Luật Quảng cáo", vị giám đốc phân tích.

Trước xu hướng phần lớn bạn đọc tin tức dịch chuyển mạnh từ web/app qua các nền tảng mạng xã hội trong các năm gần đây, số lượng độc giả của các tờ báo, trang tin, tạp chí ở VN ngày càng suy giảm dẫn tới nguồn thu từ quảng cáo hiển thị đang bị mạng xã hội nắm thị phần.

Nhiều tòa soạn buộc phải đẩy nền tảng tin tức, đa phương tiện qua các nền tảng mạng xã hội để thu hút người dùng xem nội dung nhiều hơn nhưng sự cạnh tranh cung cấp tin từ các tòa soạn gần như không đáng kể khi so với các trang tin, blog ăn cắp bản quyền bài viết.

Trong thực tế, theo ông Nguyễn Quang Tuân, giám đốc Công ty truyền thông Phúc Nguyên (TP.HCM), chỉ cần lướt mạng là có các hội nhóm, trang tin sử dụng các tên miền không nằm trong whitelist (danh sách trắng) của Bộ TT&TT, lấy lại toàn bộ các bài báo hay của các tòa soạn lớn rồi giật tít câu view tăng tương tác.

"Các bình luận được thả nổi, không cần kiểm soát như các tòa soạn. Trớ trêu là lượng người dùng mạng xã hội đọc tin qua những trang mạo danh này luôn ở mức cao so với bài viết gốc của các tòa soạn", ông Nguyễn Quang Tuân cho biết.

Thu nhập người làm báo giảm mạnh

Chị C., phóng viên một tờ báo tại TP.HCM, cho biết sau mười mấy năm gắn bó với nghề báo, gần đây chị có ý định "về hưu non" để phụ gia đình kinh doanh. Nhà xa cơ quan đến 20km, chị C. cho hay vẫn rất yêu nghề và yêu cơ quan đã gắn bó mười mấy năm nhưng đi làm bây giờ "tiền xe lỗ tiền lương".

Từng phát hành 2 số/tuần, nhưng do số lượng phát hành giảm theo xu hướng chung, càng in càng lỗ nên tờ báo mà chị C. gắn bó đã phải giảm xuống 2 số/tháng.

"Phải viết đủ 5 bài/tháng mới đủ định mức. Chưa hết, sau khi trừ định mức, nhuận bút chỉ còn... 300.000 đồng/tháng! Thu nhập chưa được 10 triệu đồng/tháng thì làm sao mà đủ sống", chị C. nói.

Phóng viên hiện chủ yếu viết online với nhuận bút còm cõi với vài chục nghìn đồng mỗi tin bài. "Không thể sống nổi nhờ vào phát hành, cơ quan phải xoay xở bằng nhiều cách khác nhau như phát triển kênh YouTube, TikTok để thu hút thêm độc giả vẫn gặp khó khăn", chị C. ngậm ngùi.

Là phóng viên một tờ tạp chí khá uy tín trên địa bàn TP.HCM, anh T. cho hay từ sau dịch COVID-19, thu nhập liên tục đi xuống. Và từ năm 2024, cơ quan cắt 20% thu nhập, thậm chí 30% tùy vị trí.

Với hai con nhỏ đang học tiểu học và mẫu giáo, thu nhập từ nghề báo chưa đủ đáp ứng 50% nên anh T. phải làm thêm từ công việc viết các bài PR để kiếm thêm.

"Tuy nhiên, sau khi có ChatGPT, tôi cũng khó sống bằng nghề này vì nhiều nơi đã viết bài nhờ ChatGPT nên rất ít nơi thuê viết. Với tình hình như hiện nay nếu không có chính sách hỗ trợ thì trong tương lai nghề báo co hẹp là tất yếu, quá trình đào thải chắc chắn rất khốc liệt", anh T. dự báo và cho biết cũng đang tính đến khả năng sẽ phải chuyển nghề.

Không chỉ các tờ tạp chí hay các báo nhỏ, những năm gần đây thu nhập tại các tờ báo lớn, đài truyền hình cũng giảm rất mạnh, kèm theo đó là những khoản phúc lợi như đồng phục, nghỉ mát... lần lượt bị cắt. PV một tờ báo ở TP.HCM cho biết ba năm gần đây gần như "nghẹt thở" vì mức thu nhập giảm từng tháng trong khi vật giá leo thang, chi phí cho cuộc sống gia đình ngày càng đắt đỏ.

"Tôi phải tiết kiệm hết sức có thể, mong kinh tế ấm lên và cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ cho báo chí để chúng tôi có thể bám trụ được với nghề", PV một tờ báo lớn nói.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Tại phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho tất cả loại hình cơ quan báo chí xuống 10%, bằng một nửa mức phổ thông.

Theo Luật Thuế TNDN hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được hưởng mức thuế TNDN ưu đãi là 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không nên phân biệt báo in hay báo điện tử, phát thanh, truyền hình vì báo chí có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền chính sách, pháp luật và đưa những thông tin đến người dân để họ nắm rõ chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo luật sư Xoa, cơ quan quản lý có thể cho phép cơ quan báo chí vận dụng một số chính sách có lợi cho người lao động mà doanh nghiệp đang áp dụng như cho phép cơ quan báo chí được chi các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.

Có thể kể đến như chi đám hiếu hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau... và những khoản phúc lợi khác không quá 1 tháng lương bình quân trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Ngoài ra có thể vận dụng thông tư 67 ban hành năm 2022 của Bộ Tài chính về trích lập quỹ phát triển về khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Theo đó được trích mỗi năm từ 3 -10% thu nhập tính thuế TNDN trước khi nộp thuế TNDN (đối với doanh nghiệp nhà nước) hoặc tối đa 10% đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước để có nguồn đầu tư phát triển khoa học công nghệ.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng dù được ưu đãi thuế 10% nhưng hầu hết báo in đều bị lỗ. Do vậy, để ưu đãi này trở nên thiết thực hơn, cần bổ sung quy định cho phép cơ quan báo chí được áp dụng chung một mức thuế TNDN 10% cho tất cả hoạt động nhằm hỗ trợ báo chí.

"Cơ quan báo chí không phải như một doanh nghiệp mà còn thực hiện chức năng tuyên truyền, giám sát xã hội, phản biện chính sách, làm nhiệm vụ chính trị nên cần có sự hỗ trợ cho báo chí vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay", ông Sơn nêu kiến nghị.

Ưu đãi thuế, hỗ trợ báo chí phát triển - Kỳ 2:
Quảng cáo trên mạng xã hội dễ hơn nhiều so với quảng cáo trên báo chính thống. Ảnh: Q.Đ.

Khó cạnh tranh với các trang tin mạo danh

Theo ông Nguyễn Quang Tuân, giám đốc Công ty truyền thông Phúc Nguyên, rất nhiều tòa soạn đang lúng túng trong việc phát triển kênh trên nền tảng mạng xã hội.

Bởi muốn đưa thông tin lên các nền tảng mạng xã hội, cơ quan báo chí bắt buộc phải có đội ngũ nhân sự kiểm soát cũng như phải tương tác, trả lời các bình luận, lọc những từ ngữ gây phản cảm... Trong khi đó, những trang tin mạo danh có thể tùy ý lách bằng những ký tự, thả nổi bình luận và đều được các nền tảng mạng xã hội gợi ý cho người dùng đọc tin.

Các nội dung "bẩn" cũng xuất hiện nhan nhản trên mạng, từ những sự việc đời tư, xúc phạm, khiêu dâm... lại được mạng xã hội ưu tiên trong các xu hướng của video ngắn. "Sự dễ dãi của các nền tảng mạng xã hội khiến các tòa soạn cung cấp những bài viết, clip hay lại ít nhận được sự quan tâm. Số lượng phân bố quảng cáo ngẫu nhiên từ mạng xã hội lại luôn đổ về những nội dung có nhiều lượt xem dù chỉ là ăn cắp và xào lại", ông Tuân nhận định.

Điều đó đã khiến doanh thu quảng cáo của các báo chính thống ngày càng suy giảm, trong khi đây là nguồn thu chính để duy trì hoạt động của tòa soạn cũng như "nuôi sống" những người làm báo. Nhiều tờ báo phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương, nhuận bút, thu hẹp hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí để tồn tại.

"Có thể nói báo chí chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Thu nhập của người làm báo cũng bị teo tóp", ông Tuân nói.

Nhiều tờ báo có nguy cơ đóng cửa

Tại hội thảo quốc tế "Kinh tế báo chí truyền thông VN trong bối cảnh phát triển kinh tế số" do Bộ TT&TT phối hợp với Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hồi tháng 6 năm nay, ông Nguyễn Huy Dũng, khi đó còn là thứ trưởng Bộ TT&TT, đã khẳng định dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo.

Tại nhiều thời điểm, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90%. "Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống", ông Dũng nói.

Nhiều chuyên gia cũng nhận xét doanh thu báo chí chính thống VN đang giảm sút chưa từng có trong lịch sử. Nếu không có những biện pháp cải thiện kịp thời, nhiều tờ báo khó lòng trụ vững...

PV