Thời sự

Tinh gọn bộ máy và “chuyển đổi số thì bọn em mất việc”

Hoàng Văn Minh 14/11/2024 11:14

Vừa rồi có rà soát đến tận phường, xã thì có người không muốn chuyển đổi số vì “chuyển đổi số thì bọn em mất việc” – Tổng Bí thư Tô Lâm kể.

Tinh gọn bộ máy và “chuyển đổi số thì bọn em mất việc”
Tổng Bí thư Tô Lâm kể, vừa rồi có rà soát đến tận phường, xã thì có người không muốn chuyển đổi số vì “chuyển đổi số thì bọn em mất việc”. Ảnh: Phạm Đông

Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 31/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã rất thẳng thắn, quyết liệt khi đề cập đến thực trạng vận hành của bộ máy công vụ các cấp cũng như việc tới đây cần thiết phải tiếp tục tinh gọn bộ máy.

Dĩ nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm không phải là lãnh đạo đầu tiên đề cập đến vấn đề này mà đã được “Trung ương yêu cầu từ mấy nhiệm kỳ rồi”. Và trong thực tế, việc cắt giảm biên chế cũng đã được chính quyền các cấp thực hiện từ rất nhiều năm nay.

Tuy nhiên, như Trung ương đánh giá, bộ máy hiện nay vẫn còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, đang kìm hãm sự phát triển, nên cần phải sắp xếp, tinh gọn.

Việc bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, dẫn đến nhiều hệ lụy, được Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn chứng bằng nhiều ví dụ rất sinh động, chi tiết và bức xúc.

Như việc một tờ giấy khai sinh thôi, 5-6 cơ quan phải tham gia vào khiến dân mất cả tuần đến 10 ngày để hoàn thành. Hay việc vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát, đá, sỏi và 5-6 bộ cùng tập trung nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì.

Hệ lụy nữa là hiện nay, ngân sách Nhà nước phải chi gần 70% để “nuôi nhau” và chi thường xuyên, phục vụ cho các hoạt động. Và nếu cứ điều hành ngân sách như thế này thì sẽ không còn tiền để đầu tư phát triển.

Tinh gọn bộ máy tới đây, Trung ương quyết tâm xem là “một cuộc cách mạng”. Tuy nhiên, để “cuộc cách mạng” này đi đến thành công như mong đợi thì phải sớm có lời giải cho rất nhiều bài toán khó.

Đầu tiên là phải tăng năng suất lao động để giảm giờ làm và giảm việc quá nhiều người cùng làm một việc, như ví dụ về một tờ giấy khai sinh 5-6 cơ quan cùng tham gia nhưng không ai chịu trách nhiệm chính cả.

Đây cũng là mục tiêu mà nhiệm kỳ này đã đặt ra nhưng vẫn chưa làm được bởi đang phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố từ tay nghề lao động, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi phương thức quản lý...

Tiếp đến là làm sao để tất cả các bộ phận trong hệ thống có cùng chung nhận thức rằng tinh gọn bộ máy, tăng năng suất lao động là tất yếu và con đường duy nhất để có thể tăng lương và đưa đất nước phát triển với các mục tiêu đến 2045, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.

Và giảm biên chế, tinh giảm bộ máy là chuyện chung của tất cả chúng ta chứ không phải chuyện riêng của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ hay các cơ quan.

Cuối cùng, mấu chốt và quan trọng nhất là làm sao để “tinh gọn” cho được suy nghĩ, tư duy trong đầu của từng cán bộ công chức, để không còn ai phải “chống” lại chuyển đổi số vì “chuyển đổi số thì bọn em mất việc”.

Đáng nói, đây không phải là tư duy đang có ở cấp phường xã, mà hiện khá phổ biến ở nhiều cấp hành chính, kể cả các bộ, ngành Trung ương.

Những lối tư duy kiểu “chống” chuyển đổi số vì sợ mất việc làm, đó mới là rào cản lớn nhất của việc tinh gọn bộ máy!

Hoàng Văn Minh