Mùa hoa vàng mênh mang phố núi
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 07:00, 14/11/2024
Mùa dã quỳ, mùa hoa vàng… Đà Lạt (Lâm Đồng) mênh mang nắng sau những cơn mưa đuổi dài triền dốc. Vùng đất trên cao nguyên Langbiang vào mùa nắng lạnh, mùa rất riêng ở xứ này. Trong dịu dàng hạt nắng và cái se lạnh đầu đông, về những cung đường ngoại ô phố núi Đà Lạt, hay những triền thung nam Tây Nguyên... để được tìm nhau trong “giấc mơ hoàng lan”, được tan hòa ở những “động hoa vàng”. Dã quỳ, loài hoa hoang dại mọc nhiều ở Tây Nguyên đã vào độ vàng man mác, để “ta vẫn chờ em chiều phố núi mênh mang” như
Hoa dã quỳ (cúc quỳ) được nhiều người ví là “hoa báo đông”, hay hoa báo chuyển mùa nắng lạnh, bởi khi những cơn mưa tạm xa phố núi Đà Lạt, ngọn gió đầu đông tràn về, dã quỳ bắt đầu trổ sắc vàng dung dị.
Trong âm giai "Đà Lạt lập đông" của nhạc sĩ Thế Hiển: "Đà Lạt lập đông hoa vàng vừa mới nở/ Ta còn chờ em một giấc mơ hoàng lan...", mùa này, đến vùng ven đô hay vùng lân cận phố thị Đà Lạt, du khách sẽ có những góc máy như "giấc mơ hoàng lan".
Chiều bềnh bồng như lời ca giữa triền thung nắng gió. Sắc vàng hoang dại mê hoặc bước chân lữ khách. Đây là khoảnh khắc 360 độ được ghi ở thung lũng bên cao tốc Liên Khương-Prenn, khu vực xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng .
Mùa này, Đà Lạt không ở phố, nắng như đủ nắng, gió như đủ gió... mơn man đung đưa những khóm hoa vàng. Mùa này, miền cao nguyên Langbiang, cao nguyên Di Linh và xứ B'Lao... rạo rực như lời hò hẹn.
Sau một năm “ngủ vùi” chẳng ai để ý, khi mùa trở lạnh, nhè nhẹ nắng, dã quỳ thức giấc trổ vàng óng ả trên khắp nẻo đường, triền đồi Tây Nguyên. Mùa này, triền thung dưới chân núi Voi, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng như những mảnh ghép sắc màu.
Dã quỳ, loài hoa hoang dại dung dị đã trở nên thân thuộc, quyến luyến người dân địa phương và du khách khi đến với Đà Lạt (Lâm Đồng) vào dịp cuối thu, đầu đông hằng năm.
Ai từng đến cao nguyên Langbiang mùa nắng lạnh - mùa hoa vàng đến độ... và phiêu lãng qua những cung đường không vướng nhịp điệu phố hẳn sẽ luyến lưu, hoài nhớ.
Những cành hoa dại dung dị, không hương đã trở thành thú chơi của lũ trẻ khi theo cha mẹ xuống thăm vườn sản xuất nông nghiệp. Dã quỳ, nhiều người gọi là cúc quỳ; riêng tên sơn quỳ, hướng dương dại... nghe lạ lắm, nhưng cũng để chỉ loài hoa dại sắc vàng này. Khi dã quỳ bung cánh, người ta nhận biết Tây Nguyên vào mùa khô.
Loài hoa dại nhưng làm bao lữ khách đắm say. Hoa dã quỳ được ví như cô gái miền sơn cước, dung dị, bẽn lẽn nhưng đầy hấp lực. Đông về, mỗi sớm mai miền cao nguyên tỉnh giấc, đón nắng, những đồi hoa vàng khiến bao tâm hồn trở nên ngây dại.
Những ngày này, dã quỳ đã “thắp” ánh vàng khắp các nẻo đường trên miền đại ngàn Tây Nguyên bao la, phóng khoáng. Dã quỳ trở giấc, khiêm nhường vươn lên từ những triền đồi khô cằn, hòa sắc vàng thanh khiết vào khung cảnh thiên nhiên vùng đất cao nguyên. Sức sống dã quỳ như "biểu tượng" của sự tận hiến và khát vọng vươn lên...
Dường như, hoa vàng mấy độ cũng không còn ai để ý. Dã quỳ nở không toan tính, cứ khoe hết sắc vàng óng ả với trời đất, với vạn vật và miên man cùng nắng gió Tây Nguyên. Loài hoa không ai chăm chút, chỉ sống đời hoang dã, nhưng có sức sống mãnh liệt giữa đất trời cao nguyên. Điều đặc biệt, lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024 diễn ra tối 5/12, “hoa dã quỳ” được chọn làm hình tượng nghệ thuật và âm nhạc để thể hiện tư tưởng chủ đạo về ý chí vượt qua khó khăn, khát vọng vươn lên của vùng đất phía nam Tây Nguyên - Lâm Đồng.
Mai Văn Bảo