Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Băn khoăn về nguồn lực xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đức Diệu 13/11/2024 15:35

Thảo luận tổ tại tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 13/11 về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị Chính phủ làm rõ hơn tính khả thi về nguồn vốn, mỏ vật liệu và nhân lực chất lượng cao.

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, đây là dự án lớn nhất trong lịch sử với dự kiến số vốn đầu tư 67 tỷ USD, gần bằng tổng thu ngân sách Nhà nước một năm hiện nay. Bên cạnh đó, theo kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các tuyến đường sắt đô thị…

Mai 13 ok
Đại biểu Dương Khắc Mai thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

Theo đại biểu Mai, chỉ riêng 4 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc và Lào theo báo cáo của Chính phủ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 27,1 tỷ USD. Ngoài ra, còn nhiều kế hoạch, chương trình, dự án cần nguồn vốn nhiều tỷ USD như: phấn đầu hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030; các giai đoạn tiếp theo của sân bay Quốc tế Long Thành... Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai mong muốn Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối vốn để đáp ứng nhu cầu dự án như thế nào?. Vốn bố trí từ ngân sách Nhà nước, vốn vay (cả nước ngoài lẫn trong nước), vốn kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, ngoài nước và các nguồn khác là bao nhiêu?. Để từ đó đánh giá khả năng trả nợ, sức chịu đựng của nền kinh tế?...

Về tiến độ thực hiện dự án và tổ chức thực hiện, đại biểu Dương Khắc Mai có chung băn khoăn như trong báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án của Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội. Đó là, “Dự án có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp, lần đầu triển khai thực hiện ở Việt Nam và thời gian kéo dài (khoảng 10 năm) sẽ tiềm ẩn rủi ro như đã xảy ra đối với nhiều dự án trọng điểm trong thời gian qua như: công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dự toán chưa sát thực tế; phương án thực hiện thiếu tính khả thi dẫn tới phải kéo dài thời gian... làm tăng TMĐT Dự án. Thực tế, việc triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị thời gian qua cho thấy gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành”.

Mặt khác, Dự án này có quy mô chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất. Như vậy, nhu cầu dự án cần sử dụng lượng xi măng, sắt thép, cát rất lớn, trong thời gian dài. Trong khi đó, thời gian tới có nhiều dự án xây dựng đường cao tốc, công trình xây dựng đồng loạt triển khai thi công. Thực tế, việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia thời gian qua cho thấy, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án. Đại biểu Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết, có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, bảo đảm hoàn thành dự án đúng kế hoạch, đồng thời cung cấp bổ sung để các ĐBQH nắm, yên tâm khi bấm nút quyết định.

Một vấn đề nữa là Công nghệ: Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại mà chỉ rất ít nước trên thế có, trong khi phải nhìn nhận thực tế là nước ta rất lạc hậu trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan. Vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án là một câu hỏi lớn. Thực tế là các dự án đường sắt đô thị chậm một phần do nội dung này. Hay như Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh lùi thời gian hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Sân bay quốc tế Long Thành có lý do là do dịch Covid - 19 nên năm 2021 chuyên gia nước ngoài không đến được… Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ quan tâm, có phương án, giải pháp ứng phó trong các tình huống không mong muốn. Chính phủ kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án này để hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.

Đức Diệu