“Chìa khóa” giúp người dân Đắk Song thoát nghèo
Cùng với hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, huyện Đắk Song đã, đang phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để đồng hành, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
Hiệu quả từ mô hình 5+1
Chăm lo cho hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thời gian qua, Đắk Song được xem là điểm sáng về công tác giảm nghèo gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy đảng.
Chị H'Dun, bon A3, xã Đắk Môl, lập gia đình năm 2007. Cuộc sống của vợ chồng chị trở nên khó khăn hơn khi đứa con thứ 2 chào đời nhưng bị khuyết tật bẩm sinh.
Trong lúc cuộc sống bế tắc, gia đình chị H'Dun được Đảng ủy xã Đắk Môl và tổ cán bộ, đảng viên thuộc mô hình 5+1 quan tâm, giúp đỡ. Trong đó, các thành viên mô hình đã góp kinh phí, huy động các nguồn lực để hỗ trợ gia đình chị H'Dun làm chuồng trại, mua heo giống, thức ăn. Các thành viên tổ còn thường xuyên đến thăm, động viên, thăm hỏi, hướng dẫn gia đình phát triển chăn nuôi...
Sau 5 tháng, lứa heo 4 con đầu tiên đã xuất chuồng. Sau khi trừ các chi phí, gia đình chị H'Dun thu lãi hơn 5 triệu đồng. Thấy hiệu quả của việc nuôi heo, chị H'Dun đã tái đầu tư chăn nuôi, tăng đàn, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Môl Trần Thị Kim Anh cho biết, khi được Đảng ủy xã phân công giúp hộ H'Dun thoát nghèo, mô hình 5+1 (trong đó bà Kim Anh là Tổ trưởng) đã tìm hiểu và lựa chọn hỗ trợ gia đình heo giống. Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên trong tổ thường xuyên cắt cử nhau đến hướng dẫn gia đình cách chăm sóc heo. Sau một thời gian đồng hành, hỗ trợ, đến nay, gia đình chị H'Dun đã chuyển sang hộ cận nghèo.
Gia đình chị Triệu Thị Phấy, bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song là một trong số những hộ nghèo được Chi bộ Trường tiểu học -THCS Bế Văn Đàn giúp đỡ theo mô hình 5+1.
Thầy giáo Nguyễn Thế Quynh, giáo viên Trường tiểu học - THCS Bế Văn Đàn chia sẻ, gia đình chị Phấy gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi chồng gặp tai nạn và qua đời. Trước nguy cơ các con chị Phấy phải nghỉ học để giúp mẹ, Chi bộ Trường tiểu học - THCS Bế Văn Đàn đã đề xuất với Đảng ủy xã Thuận Hà trực tiếp hỗ trợ gia đình.
“Sau khi được Đảng ủy xã Thuận Hà đồng ý, cán bộ, đảng viên, giáo viên và nhân viên nhà trường đã tự nguyện đóng góp hơn 7,5 triệu đồng, mua tặng chị Phấy 4 con heo giống. Ngoài ra, nhà trường vận động các nhà hảo tâm để tặng học bổng, mua sách vở, quần áo mới cho các con của chị Phấy đến trường. Qua gần 1 năm triển khai, đến nay, đời sống của gia đình chị Phấy đã ổn định hơn trước,” thầy giáo Nguyễn Thế Quynh cho hay.
Bà Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đắk Song cho biết, mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xây dựng 1-2 mô hình điển hình nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở này, Ban Tuyên giáo Huyện ủy nghiên cứu, tham mưu Huyện ủy Đắk Song xây dựng mô hình 5+1. Sau đó, Huyện ủy Đắk Song thống nhất ban hành Kế hoạch số 114-KH/HU, ngày 13/2/2020, về triển khai các mô hình mới trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
“Mục đích của mô hình là nhằm phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Đây là cách làm thiết thực để cổ vũ người dân trong xóa đói, giảm nghèo, gắn kết niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền,” bà Thúy cho hay.
Sau hơn 4 năm triển khai, mô hình 5+1 đã huy động được hàng tỷ đồng tiền mặt và hiện vật để giúp đỡ hơn 400 hộ dân thoát nghèo. Mô hình 5+1 của huyện Đắk Song cũng được nhân rộng, triển khai ở nhiều địa phương khác, qua đó mang lại hiệu quả to lớn trong công tác giảm nghèo của địa phương, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đào tạo nghề cho lao động nghèo
Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đắk Song đã triển khai tuyển sinh và đào tạo nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Các lớp học nghề đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả hơn.
Mới đây nhất, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đắk Song đã tổ chức lớp sơ cấp nghề Nuôi, phòng trị bệnh vật nuôi cho gần 30 học viên là lao động nông thôn xã Đắk Môl.
Trong quá trình học, các học viên được chia sẻ những kiến thức về xây dựng chuồng trại, nhận biết đặc điểm sinh trưởng, cách chăm sóc và phát hiện các loại bệnh thường gặp ở từng chu kỳ sinh trưởng, phát triển của vật nuôi.
Ông Nguyễn Trọng Chuẩn, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Song cho biết, trước khi tổ chức đào tạo, trung tâm phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu học nghề của người dân. Rất nhiều lao động nông thôn muốn học nghề nông nghiệp để ứng dụng trực tiếp vào sản xuất của gia đình. Chính vì thế, sau khóa học, phần lớn học viên đều tự tạo việc làm tại gia đình, góp phần ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.
Lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đắk Song cho biết thêm, từ những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm 2024, đơn vị tiếp tục tập trung đi sâu vào việc đào tạo nghề nông nghiệp để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
“Từ nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, chúng tôi sẽ triển khai thêm các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mục tiêu là giúp người lao động địa phương trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững,” ông Chuẩn cho hay.