Kinh tế

Đắk R'lấp tối ưu hóa năng suất, chất lượng cà phê

Hưng Nguyên 12/11/2024 05:41

Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đang xây dựng các giải pháp phát triển bền vững nhằm tối ưu hóa năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Phong, ở xã Đắk Ru, Đắk R’lấp (Đắk Nông) có hơn 2ha cà phê. Những năm qua, anh Phong hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Thay vào đó, anh sử dụng phân bón hữu cơ và biện pháp tự nhiên để bảo vệ cây trồng.

Anh Phong chọn thời điểm thu hoạch cà phê có tỷ lệ chín cao và sơ chế theo hướng chất lượng cao để tối ưu hóa chất lượng. Anh còn sử dụng các phụ phẩm từ quá trình sản xuất như vỏ cà phê, cỏ dại để làm phân bón cho vườn cây.

dsc01750-1-.jpg
Anh Nguyễn Thanh Phong, ở xã Đắk Ru, Đắk R’lấp sơ chế cà phê sau thu hoạch theo hướng chất lượng cao

Anh Phong cho biết, nhờ áp dụng quy trình sản xuất bền vững, anh đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, bảo đảm năng suất và chất lượng hạt cà phê, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Huyện Đắk R’lấp hiện có trên 21.000ha cà phê. Thời gian qua, huyện đã vận động nông dân tiếp cận các phương pháp canh tác hiện đại, tổ chức lại sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế.

Huyện khuyến khích nông dân tiến hành tái canh, ghép cải tạo và trồng mới đối với diện tích cà phê già cỗi bằng giống mới như TR4, TR9, TR11, TRS1... Các giống cà phê này không chỉ có năng suất cao mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Cà phê được nhiều người dân trên địa bàn huyện canh tác theo xu hướng đa tầng, thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình chứng nhận, liên kết chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu.

dsc01689(1).jpg
Người dân Đắk R'lấp ngày càng chú trọng phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê

Người dân cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất cà phê, tưới tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường.

Thay vì sản xuất nguyên liệu đơn thuần, hiện nay, huyện đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê.

Huyện đã từng bước hình thành được chuỗi giá trị cà phê từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, bảo đảm thị trường đầu ra.

Ngoài ra, với sự hỗ trợ của chính quyền và các doanh nghiệp, huyện Đắk R'lấp đã thiết lập các mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C và Rainforest Alliance.

Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng đã liên kết với hơn 1.000 hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu hơn 3.500ha cà phê bền vững.

Chế biến honey
Nhiều nông dân huyện Đắk R'lấp đã tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê

Sản phẩm cà phê của doanh nghiệp được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).

Mô hình của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần giúp ngành hàng cà phê huyện Đắk R’lấp ngày càng nâng cao chất lượng cao.

Huyện Đắk R’lấp đang xây dựng vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Quảng Tín, với quy mô 500ha nhằm tạo nên sản phẩm cà phê có giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phòng NN-PTNT huyện Đắk R'lấp cũng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân nâng cao kỹ năng chăm sóc cây cà phê.

Huyện tập trung hướng dẫn nông dân sử dụng các giống cà phê có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đắk R’lấp có trên 21.000ha cà phê, hầu hết đã được người dân tái canh, sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao như TR4, TR9, TRS, TS5, cà phê dây… Năng suất bình quân của cà phê Đắk R'lấp đạt 2,97 tấn/ha, sản lượng 54.514 tấn/vụ.

Ông Nguyễn Thành Nên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R'lấp cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng xanh và các yêu cầu thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, huyện đã có những định hướng phát triển dài hạn, tập trung vào sản xuất bền vững và tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất cà phê.

Từ nay đến năm 2025, Đắk R’lấp sẽ hoàn thiện thủ tục công nhận các vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện để sản phẩm cà phê địa phương có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cùng với đó, việc tăng cường liên kết giữa các nhà sản xuất, nhà chế biến và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng giúp ngành cà phê Đắk R’lấp có điều kiện phát triển ổn định và bền vững hơn.

Hưng Nguyên