Đại biểu Phạm Thị Kiều băn khoăn về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Chiều 11/11, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhóm vấn đề liên quan đến thực trạng, giải pháp quản lý việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ.
Đại biểu Phạm Thị Kiều đặt câu hỏi: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là ở độ tuổi thanh thiếu niên, Bộ trưởng cho biết đánh giá thực trạng này như thế nào và giải pháp để kiềm chế?
Trả lời chất vấn của đại biểu Kiều, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Thời gian vừa qua, chúng ta đang tập trung triển khai Luật Phòng, chống thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã triển khai được hơn 10 năm. Khi chúng ta xây dựng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, lúc đó chưa xuất hiện các loại thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, tham khảo ý kiến của tổ chức y tế thế giới, các tổ chức liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử cho thấy, đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, tỷ lệ đang tăng nhanh người sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Bộ Y tế cũng đã tiến hành điều tra tình hình sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020). Trong đó, tỷ lệ tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 -24 tuổi (7,3%).
Qua những kết quả điều tra liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho thấy nhu cầu sử dụng đối với giới trẻ, nhất là trẻ em gái tăng lên. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% vào năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi tăng từ 3,5% lên 8%; nữ giới từ 11-18 tuổi cũng tăng 4,3%.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Những ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động rất chi tiết và đang trình lên Chính phủ. Bộ Y tế giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với các Tổ chức Y tế thế giới tổng hợp nội dung, căn cứ khoa học mà thế giới hiện nay đang áp dụng để đề xuất giải pháp.
Năm 2023, đã có 1.234 người điều trị liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong bối cảnh chúng ta có 40.000 người mỗi năm mắc các bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe bởi thuốc lá bình thường, giờ thêm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều này có thể nói sẽ gia tăng nguy cơ rất cao đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Trên cơ sở thực trạng và các khuyến nghị, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ trong thời gian tới có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết được việc buôn bán thuốc lá điện tử. Bộ Y tế mong muốn có một nghị quyết của Quốc hội liên quan tới việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được xem xét sửa đổi trình Quốc hội.
Tranh luận thêm về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan làm rõ hơn việc đề xuất giải pháp mạnh ở đây là như thế nào, mạnh ở mức nào?. Sắp tới Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là khi nào? Vì theo đại biểu Mai, đây là vấn đề được nhắc đến nhiều trên diễn đàn Quốc hội gần đây. Mặt khác, nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân nên cần thực hiện ngay trong năm 2025.