Khan hiếm nguồn cung, giá sầu riêng tiếp tục tăng vọt, sầu riêng Thái giao tại Tiền Giang là 195.000 đồng/kg
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:02, 11/11/2024
Cập nhật giá sầu riêng hôm nay (11/11): Giá sầu riêng tăng vọt, nguồn cung khan hiếm
Trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hôm nay 11/11 tiếp tục tăng sau khi tăng mạnh tới 55.000 - 60.000 đồng/kg vào phiên trước tại tất cả các vùng trồng chính.
Hiện tại, giá sầu Thái loại đẹp phổ biến lên tới 170.000 - 175.000 đồng/kg tùy vùng. Giá sầu riêng trái vụ neo ở mức cao đối với hàng loại rất đẹp xuất khẩuvà có nơi lên tới trên 190.000 đồng/kg khi bước vào vụ thu hoạch vụ nghịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Vào ngày 11/11, các công ty và vựa thu mua sầu riêng tại Tiền Giang đã công bố mức giá thu mua sầu riêng Thái loại A (2,7 hộc, trọng lượng từ 1,9 - 5kg) từ 190.000 - 195.000 đồng/kg. Loại B có giá thấp hơn, từ 170.000 - 175.000 đồng/kg.
Sầu riêng Ri 6 loại A cũng có mức giá từ 145.000 - 160.000 đồng/kg, trong khi loại B dao động từ 115.000 - 130.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục, phản ánh nhu cầu lớn từ thị trường. Sầu riêng Ri6 xô cũng đạt giá cao nhất lên tới 70.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, dù diện tích sầu riêng tăng (đạt khoảng 21.790ha vào cuối năm 2023), sản lượng thực tế lại có xu hướng giảm do ảnh hưởng của thời tiết. Những vườn sầu riêng lâu năm, vốn là nguồn cung chủ yếu, không thể duy trì năng suất như trước, đẩy giá sầu riêng lên cao và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương lái.
Nông dân và vựa thu mua sầu riêng đều hy vọng khắc phục tình trạng khó khăn này trong những năm tới. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay, việc duy trì nguồn cung ổn định sẽ là một thách thức lớn đối với ngành sầu riêng tại miền Tây.
Không chỉ riêng Tiền Giang, tình trạng khan hiếm sầu riêng cũng đang xảy ra ở các tỉnh lân cận như Bến Tre. Theo ghi nhận, tại huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), giá thu mua sầu riêng cũng đã tăng cao. Các thương lái ở Bến Tre cũng cho biết, việc tìm nguồn cung từ các vườn sầu riêng đang trở nên khó khăn, khi số lượng trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu ngày càng ít.
Tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đã chiếm tới 65% kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt tới 2,7 tỷ USD, kỷ lục xuất khẩu chưa từng có với một loại trái cây của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng của chúng ta đang chịu cạnh tranh khá lớn tại thị trường chính là Trung Quốc. Vì thế đây cũng là thời điểm để đẩy mạnh việc hình thành những mô hình sầu riêng bền vững.
Là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Những vùng trọng điểm hướng sẽ phải hình thành nên các liên kết sản xuất giữa các tổ chức nông dân, đó là tổ hợp tác xã với các doanh nghiệp và phải áp dụng chặt chẽ các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt để làm sao đảm bảo chất lượng mới có thị trường và xuất khẩu nâng cao giá trị.
Có thể thấy, với ngành hàng sầu riêng, nông dân sẽ là hạt nhân của những liên kết, còn các doanh nghiệp là người dẫn dắt. Vì họ chính là người cung cấp kỹ thuật canh tác mới, cung cấp vật tư và thậm chí sẽ có những doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra bền vững cho hộ nông dân.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào năm 2023, nước này nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn sầu riêng, với giá trị tăng 70% so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7 tỷ USD. Nhưng các chuyên gia lưu ý rằng mức tiêu thụ sầu riêng bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1kg, so với 13kg ở Malaysia và 4kg đến 5kg ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, sầu riêng vẫn được coi là một loại “siêu trái cây” đắt đỏ ở những thành phố giàu có của Trung Quốc như Thượng Hải. Một quả sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan nặng 3kg đến 4kg vẫn có giá từ 100 đến 150 nhân dân tệ tại các siêu thị ở Thượng Hai. Mức tiêu thụ giảm ở khắp mọi nơi và sầu riêng không phải là thứ không thể thiếu.