Gian nan kiểm định chất lượng phân bón
Việc kiểm định, xác định phân bón giả, kém chất lượng phải trải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian.
Rất khó để "tự bơi"
Đối với ngành chức năng, việc kiểm định phân bón giả, kém chất lượng là vấn đề hết sức cần thiết. Để lấy mẫu đất đi phân tích hàm lượng các thành phần, nguyên tố có trong phân bón đối với ngành chức năng đã là công việc phức tạp.
Trong khi đó, trường hợp một hộ nông dân mang mẫu đất đi xét nghiệm để chứng minh chủng loại phân bón giả, hàm lượng nguyên tố sai với thông số ghi trên bao bì, nhãn mác càng khó hơn.
Bởi đòi hỏi kết quả phiếu xét nghiệm đó phải có tính pháp lý, đầy đủ chứng cứ chứng minh chủng loại phân bón sử dụng là giả hoặc kém chất lượng.
Gia đình ông N.V.H ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, Đắk Nông là một trong những trường hợp như vậy. Cách đây hơn 5 năm, gia đình ông H có mua hơn 2 tấn phân bón của một đại lý trên địa bàn về bón cho 2ha cà phê. Sau khi bón, vườn cây bị héo rủ, chết hàng loạt.
Sự việc đã xảy ra nhiều năm, nên ông H không muốn khơi lại. Hơn nữa, bên công ty phân bón đã khắc phục hậu quả, nên bây giờ ông không muốn nêu đích danh tên của mình.
Tuy nhiên, ông H vẫn hợp tác và kể cho phóng viên về hành trình đi đòi lại công bằng cho mình khi công ty phân bón từ chối bồi thường thiệt hại. Từ đây bắt đầu một hành trình gian nan đối với ông khi đi gõ cửa từng cơ quan, đơn vị.
Ông H nhớ lại, vào thời điểm đó, chừng hơn 2ha cà phê của gia đình bị rụng lá, chết cành sau khi bón phân lân TE nhãn hiệu S.C của một công ty tại Lâm Đồng.
Sau khi phản ánh sự việc thì công ty và đại lý phân bón có về kiểm tra nhưng lại đưa ra kết luận do gia đình bón quá liều lượng cộng với nồng độ pH trong đất cao, dẫn đến hiện tượng cà phê héo úa, chết khô.
Tuy nhiên, một số gia đình khác trong xã sử dụng phân bón trên, cây cà phê cũng có hiện tượng tương tự nên ông H nghi ngờ liên quan đến chất lượng phân bón. Sau đó, ông H mang số phân còn lại đến một trung tâm phân tích tại Đắk Lắk để kiểm nghiệm độc lập.
Ông H cho biết: “Chứng kiến vườn cây bị suy kiệt từng ngày, tôi lo lắng và nhiều đêm mất ngủ. Về phía đại lý không những bỏ mặc, từ chối hợp tác tìm ra nguyên nhân mà còn tỏ ra thách thức tôi đi kiện, họ sẵn sàng đi cùng đến bất cứ nơi đâu”.
Là một người nông dân chân lấm, tay bùn, ông H không biết phải bắt đầu từ đâu để đi đòi quyền lợi cho mình. Từ sự giới thiệu của người quen, ông H liên lạc với cơ quan báo chí và một số trung tâm kiểm định chất lượng để kiểm tra mẫu phân.
Sau một tuần gửi mẫu, ông H nhận được kết quả kiểm nghiệm mà trong lòng được giải tỏa. Bởi kết quả xét nghiệm độc lập cho thấy hàm lượng thành phần thực tế vượt mức công bố như: kẽm (Zn) vượt gần 4 lần, sắt (Fe) vượt gần 3 lần…
Sau khi cầm kết quả thử nghiệm trên tay, ông H gửi thông tin cho đại lý, công ty phân phối. Những tưởng các đơn vị này sẽ dựa vào kết quả để xử lý sự việc một cách thấu đáo. Ngờ đâu, kết quả kiểm nghiệm càng khiến ông H lao đao hơn.
“Những ngày sau đó, tôi không dám ra đường vì lúc nào cũng có một nhóm côn đồ chờ chực sẵn. Hễ gặp mặt là sấn đến gây sự, hù dọa. Sự việc không chỉ khiến tôi “tiền mất tật mang” mà công việc nương rẫy cùng bị bỏ bê”.
Còn gia đình bà H, xã Tân Thành, huyện Krông Nô lâm vào tình cảnh vườn tiêu, cà phê, bơ chết hàng loạt nghi do bón phân giả, kém chất lượng. Bà H cũng tự lấy mẫu phân đưa đi xét nghiệm độc lập làm bằng chứng gửi các cơ quan, đơn vị chức năng để làm rõ nguyên nhân.
Theo bà H, nhận thấy cách làm nửa vời của công ty kinh doanh phân bón nên bà phải tự mình mang mẫu đất, phân bón đi kiểm nghiệm. Việc mang mẫu đi kiểm nghiệm độc lập là việc làm gian nan, vừa mất thời gian, chi phí đi lại, nhất là kết quả kiểm nghiệm chưa hẳn đã chứng minh được nguyên nhân vườn cây bị chết do phân bón.
Theo bà H, có kết quả kiểm nghiệm rồi, nhưng sự việc của gia đình bà kéo dài hơn 5 năm, hao tốn biết bao công sức, thời gian. Mặc dù, gia đình bà được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ điều tra nguyên nhân, mức độ thiệt hại, nhưng công ty phân bón vẫn thiếu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại theo cam kết.
Quy định ngặt nghèo
Theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP, Thông tư 09/2022/TT-BNNPTNT và Tiêu chuẩn quốc gia về phân bón, quy trình kiểm định chất lượng phân bón phải trải qua rất nhiều công đoạn ngặt nghèo.
Cụ thể, quy trình kiểm định chất lượng phân bón bao gồm 7 bước chính, từ lấy mẫu đến công bố kết quả. Đầu tiên, mẫu phân bón được lấy từ lô hàng và bảo quản đúng quy định.
Tiếp theo, kiểm tra hình thức và nhãn mác nhằm phát hiện sai lệch về bao bì và thông tin. Sau đó, mẫu được phân tích các thành phần hóa học, đo hàm lượng dinh dưỡng chính như nitơ, kali..., đồng thời kiểm tra các chất phụ gia hoặc độc hại.
Các chỉ số độ hòa tan, thời gian tan rã, độ pH, và độ ẩm cũng được đo lường để bảo đảm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Kết quả kiểm định sau đó được so sánh với các tiêu chuẩn quốc gia như TCVN và quy chuẩn QCVN 01-189:2019 của Bộ NN - PTNT.
Cuối cùng, báo cáo chi tiết được lập và công bố chất lượng. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu xử lý phù hợp, bảo vệ quyền lợi của nông dân và ngăn chặn các hành vi gian lận.
Theo quy định hiện hành, nông dân không có đủ thẩm quyền để tự kiểm định chất lượng phân bón một cách chính thức. Kiểm định chất lượng phân bón là một quy trình phức tạp, yêu cầu thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật cao để đo lường các chỉ tiêu như hàm lượng dinh dưỡng, độ hòa tan, độ pH và mức độ an toàn của sản phẩm.
Các chỉ tiêu này thường được kiểm tra tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn và theo quy trình chặt chẽ, dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia và quy định của cơ quan quản lý.
Theo quy định hiện hành, các đơn vị có thẩm quyền kiểm định chất lượng phân bón ở Việt Nam bao gồm: Cục Bảo vệ Thực vật; các trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận phân bón được Bộ NN - PTNT cấp phép; chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cấp tỉnh; các viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm đạt chuẩn TCVN; quản lý thị trường và cơ quan công an.
Dù nông dân không đủ thẩm quyền kiểm nghiệm chất lượng phân bón, nhưng nông dân có thể chủ động bảo vệ mình thông qua nhiều biện pháp.
Cụ thể, nông dân có thể chọn phân bón từ các thương hiệu uy tín hoặc đại lý chính thức; xem xét kỹ nhãn mác, hạn sử dụng và các thông tin sản phẩm để phát hiện dấu hiệu bất thường.
Khi mua hàng, nông dân có thể yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định chất lượng từ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối. Nếu nghi ngờ về chất lượng, nông dân có thể báo cáo cho cơ quan quản lý địa phương để tiến hành kiểm tra.