Kinh tế

Ma trận phân bón thách thức nông dân Đắk Nông

Trần Thị Thoan 08/11/2024 17:27

Có rất nhiều loại phân bón lưu hành trên thị trường và cơ quan chức năng khó kiểm soát, trong khi nông dân phải đối diện với nỗi lo thường trực về chất lượng vật tư này.

Thách thức lớn của nông dân

Đắk Nông đang đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Trong bối cảnh toàn ngành đẩy mạnh các giải pháp để đạt các mục tiêu chung thì nông dân luôn phải đối diện với nỗi lo về tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Bình, thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp có trên 1ha cà phê kinh doanh. Hàng năm gia đình tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng cho 3 - 5 đợt bón phân các loại, đó là chưa kể nguồn phân chuồng gia đình chủ động được từ chăn nuôi.

dsc_0619.jpg
Gia đình bà Nguyễn Thị Bình, thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp luôn đối diện với nỗi lo phân bón giả

Bà Bình cho rằng, để cây trồng phát triển, việc bón phân đạt chất lượng tốt có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì cà phê là cây lâu năm, cho sản lượng càng cao thì càng phải bổ sung dưỡng chất càng nhiều qua phân bón.

Do đó, bà luôn chú ý đến chất lượng các loại phân bón. Tuy nhiên, bà thường xuyên phải đối diện với nỗi lo có thể sử dụng phải phân bón kém chất lượng, phân bón giả.

Việc mua phân bón của bà chủ yếu là tin tưởng vào đại lý cung ứng và bà cũng không biết cách nào để phân biệt, kiểm tra được chất lượng phân bón.

dsc_0345.jpg
Đắk Nông có nhiều loại phân bón cả trong và ngoài nước lưu hành trên thị trường

Đó là chưa kể, trên thị trường có vô số nhãn hiệu, chủng loại của nhiều nhà sản xuất phân bón trong và ngoài nước mà nông dân như bà khó nhận diện hết tên tuổi.

Bà Bình khẳng định: “Thực tế, tôi rất lo phân bón giả, kém chất lượng. Quanh khu vực cũng đã có một số trường hợp bị thiệt hại nặng đến cây trồng vì phân bón kém chất lượng”.

Lo lắng của bà Bình là có cơ sở. UBND xã Nhân Cơ cho biết, trên địa bàn có 21 điểm, đại lý kinh doanh phân bón, với khoảng hàng ngàn tấn phân bón các loại mỗi năm.

Liên quan đến nội dung này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Cơ cho biết, qua nắm bắt tâm tư của hội viên, nhiều trường hợp cho rằng, họ không yên tâm về chất lượng phân bón, nhiều trường hợp nông dân nghi ngờ hàng kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Lương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk R’lấp cho rằng, số lượng vật tư nông nghiệp, phân bón trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh là rất lớn.

Đây là một khó khăn lớn trong quản lý. Trong đó, ở cấp huyện càng khó khăn hơn khi nhân lực ít, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý phân bón chưa đáp ứng được yêu cầu.

Dạo quanh một vòng tại các cơ sở, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhóm phóng viên chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng loạt chủng loại, nhãn hiệu phân bón.

Từ phân hữu cơ, vô cơ đến phân bón lá, bón rễ, phân dạng bột khô, phân dạng nước... đều được bày bán tràn ngập. Thực tế này là thách thức lớn cho nông dân trong lựa chọn phân bón.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Nông, thị trường phân bón của tỉnh rất đa dạng, với hàng ngàn nhãn hiệu, chủng loại. Trên địa bàn tỉnh có 20 nhà phân phối phân bón, 449 cơ sở kinh doanh phân bón.

Có 3 dạng phân bón chủ yếu là phân bón gốc (rễ), với khoảng 30 chủng loại. Phân hữu cơ có khoảng 20 loại; phân bón qua lá cung cấp trung vi lượng khoảng 15 loại.

Việt Nam hiện có hơn 5.000 loại phân bón được phép lưu hành trên thị trường. Con số này đã phần nào nói lên mức độ khó khăn, phức tạp cho quản lý chất lượng phân bón. Đây cũng chính là thách thức lớn cho nông dân.

dsc_0508.jpg
Nhiều nông dân Đắk Nông luôn phải lo lắng về chất lượng phân bón cho cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu

Những năm qua, công tác quản lý chất lượng phân bón tại Đắk Nông đã đạt được nhiều kết quả tích cực. UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo từ Trung ương và ban hành văn bản, chỉ thị về bảo đảm chất lượng phân bón.

Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, giúp bà con nông dân nắm được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của phân bón. Đồng thời, lực lượng liên ngành như thanh tra nông nghiệp, công an, quản lý thị trường đã chủ động phối hợp tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng.

b
Đồ họa: Việt Dũng

Thế nhưng, trên thực tế, nông dân vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong lựa chọn phân bón. Hầu hết nông dân Đắk Nông vẫn chưa có đủ khả năng để nhận biết, chọn đúng loại phân bảo đảm chất lượng.

Nhiều khó khăn trong quản lý

Trong năm 2023, thanh tra Sở NN- PTNT đã tiến hành thanh tra 42 cơ sở, lấy 20 mẫu phân bón để kiểm định chất lượng. Kết quả có 14/20 mẫu phân bón đạt chất lượng (chiếm 70%), 6 mẫu không đạt chất lượng (chiếm 30%). Trong đó 1 mẫu phân bón NPK và 1 mẫu phân bón lá kém chất lượng; 2 mẫu phân bón lá và 2 mẫu phân bón vi lượng giả.

Ngành Nông nghiệp Đắk Nông cho rằng, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn tồn tại một phần do hệ thống quản lý, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống hành lang pháp lý chưa thống nhất, đồng bộ cao.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp nói chung, phân bón nói riêng chưa kịp thời, cụ thể và tính khả thi chưa cao.

dsc_0337-253d42d2d483e9b1b7c6c547c5055b20.jpg
Sở NN-PTNT Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, đôi lúc còn buông lỏng quản lý, nhất là đối với cấp huyện.

Số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng trên địa bàn tỉnh lớn, nằm trải đều khắp tỉnh nên việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng của cơ quan chức năng không dễ.

"Điều này một phần do nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác còn hạn chế, trong khi đó chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng", ông Anh cho biết thêm .

DSC_0444 - Copy
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông

Cùng với đó, việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chấp hành tốt, bảo đảm chất lượng.

Tỉnh vẫn chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng và người dân đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Ngành Nông nghiệp đánh giá, tình trạng hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mà còn làm suy giảm lòng tin của bà con đối với thị trường phân bón.

Nhiều hộ nông dân đã gặp khó khăn do phải đối mặt với nguy cơ thất bại trong mùa vụ, mà nguyên nhân đến từ việc sử dụng các sản phẩm phân bón không đạt chất lượng.

Phân bón không bảo đảm chất lượng là phân bón có chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế không phù hợp với quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Phân bón giả về chất lượng là phân bón có một hoặc nhiều chỉ tiêu chất lượng chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ chỉ tiêu chất lượng chính là vi sinh vật).

Trần Thị Thoan