Đắk Lắk đón hơn 5,6 triệu lượt khách du lịch

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:41, 06/11/2024

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Ðắk Lắk vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 17 tỉnh, thành phố trên cả nước: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… giai đoạn 2019-2024.

Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương chủ yếu tập trung trên bốn lĩnh vực gồm: Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, quy hoạch và kêu gọi đầu tư; hợp tác khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, quảng bá, xúc tiến du lịch và giới thiệu các sản phẩm du lịch tại các sự kiện lớn về du lịch; hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt… Nhờ vậy, trong 5 năm qua, tỉnh đã đón hơn 5,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu gần 4.300 tỷ đồng.

Gia Lai đạt kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD trong 10 tháng

Theo Sở Công thương Gia Lai, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 750 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 29,39% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, cà-phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh với sản lượng đạt 203.000 tấn, tương ứng kim ngạch 592 triệu USD (tăng 34,55% về giá trị); mủ cao su đạt 805 tấn, tương ứng kim ngạch 1,1 triệu USD; sản phẩm gỗ đạt 2 triệu USD; các mặt hàng khác đạt 154,8 triệu USD.

Xuất khẩu của Gia Lai về đích trước 2 tháng nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, giá cà-phê tăng cao kỷ lục đã mang lại giá trị kim ngạch lớn, chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Ðể thúc đẩy ngành hàng cà-phê phát triển, tỉnh đã triển khai các kế hoạch, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cho mặt hàng cà-phê.

Đắk Nông kết nối thành công với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương

Từ tháng 11/2023, Sở Thông tin và Truyền thông Ðắk Nông đã xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin nguồn. Ðây là một nền tảng dùng chung cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp tỉnh, huyện và xã. Hệ thống hiện nay đã kết nối tới cụm loa của 24 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, với 316 cụm loa công nghệ thông tin-viễn thông.

Hệ thống còn có chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Ðài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông tức là sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, internet. Ðây cũng là một thành phần của hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông của tỉnh.

Thông tin nguồn là bản tin dưới dạng dữ liệu số do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh, huyện cung cấp và được quản lý, lưu giữ trên Hệ thống thông tin nguồn. Ðến nay, Ðắk Nông là 1 trong 11 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước kết nối thành công với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương.

Lâm Đồng trồng hơn 34,5 triệu cây xanh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng cho biết, thực hiện phong trào thi đua "trồng 50 triệu cây xanh" giai đoạn 2021-2025, theo Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động; đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 34,5 triệu cây xanh các loại, đạt 69% kế hoạch giai đoạn trên, bảo đảm tiến độ kế hoạch đã đề ra.

Trong đó, 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã trồng gần 9,3 triệu cây xanh, đạt hơn 68% so với kế hoạch năm 2024; gồm hơn 2,5 triệu cây rừng tập trung; hơn 6,77 triệu cây xanh phân tán (cây cảnh quan đô thị, nông thôn; cây xanh tại khuôn viên các công sở, nhà máy, công trình công cộng...). Phong trào thi đua "trồng 50 triệu cây xanh" tại Lâm Ðồng góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.