Chính trị

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công

Hoàng Thị Hoa 06/11/2024 08:41

Quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong ngày 4/11 và sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể về phát triển kinh tế-xã hội, tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác; đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực...

Tiết kiệm, chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường cho thấy, các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đánh giá, biểu hiện rõ nét là công tác chỉ đạo điều hành của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, điều hành linh hoạt, có định hướng giải quyết rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8-7%, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ rệt.

Quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, sâu sắc, khuyến khích mọi người dân, đặc biệt là cán bộ cần xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong xã hội.

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho biết, về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, theo quy định hiện hành, các địa phương dành 70% tăng thu để thực hiện cải cách tiền lương. Đại biểu cho rằng, điều này dẫn đến có nhiều địa phương có nguồn tăng thu lớn, dư rất nhiều nhưng chỉ sử dụng 30%, còn 70% không có cơ chế nào để sử dụng, sau đó lại hoàn lại. Đây cũng là lãng phí nguồn lực.

Tại hội trường, các đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chống lãng phí... Hiện nay, trên cả nước và ở từng địa phương có nhiều dự án, công trình bỏ dở hoặc không triển khai hay đầu tư kém hiệu quả. Không ít khu đất bỏ hoang, không được sử dụng kéo dài nhiều năm, không được khắc phục, hậu quả khắc phục chậm hoặc không được xử lý kiên quyết, làm thất thoát nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Về nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%)... Theo Báo cáo, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án.

Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.

ttxvn_dai_bieu_quoc_hoi_chong_lang_phi_0611.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Triệu Quang Huy phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu; đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

Ở góc độ cử tri, chuyên gia kinh tế, ông Huỳnh Anh Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để tháo gỡ "điểm nghẽn" giải ngân đầu tư công cần có các giải pháp tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập kế hoạch đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư; đồng thời cần cải thiện thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách trong đầu tư công; công khai, minh bạch các dự án đầu tư để phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu và cho biết trong năm nay cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên. Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển. Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) quan tâm đến vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, đại biểu cho biết, theo báo cáo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 đạt 69%, có bằng cấp ước đạt trên 28%.

Đại biểu cho rằng, đây là tín hiệu khả quan, song cần nhìn nhận, đánh giá thêm thực tiễn, bởi qua giám sát, quy định về công tác đào tạo nghề còn không ít bất cập.

Doanh nghiệp ở Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trình độ năng lực cạnh tranh còn thấp, tiềm lực tài chính hạn chế, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, xuất thân nông thôn. Trong thời gian qua, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề cho người lao động chỉ 36%. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động còn phức tạp về thủ tục.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nêu ý kiến về việc cần có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn mà nhiều quốc gia hiện nay đang theo đuổi, đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đại biểu cho rằng có thể đào tạo từ nguồn tri thức tinh hoa; quan tâm đào tạo, chọn lọc những học sinh, sinh viên có năng lực vượt trội để nguồn lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn bảo đảm chất lượng.

Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn.

Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.

Theo Bộ trưởng cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được.

ttxvn_dai_bieu_quoc_hoi_chong_lang_phi_0611-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cần tập trung vào hai đề án lớn về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án về phát triển nhân lực chất lượng cao phục phát triển công nghệ cao.

Một số vấn đề cần phải quan tâm là có chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực cao vào khu vực công; trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải lấy tự chủ đại học là khâu đột phá; trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá. Đồng thời chú trọng hai vấn đề lớn, từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất chiến lược.

Đầu tư cho công tác dự báo thiên tai

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) lấy dẫn chứng ở Lào Cai là một trong tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn bão số 3 (Yagi) nhưng cũng là địa phương do đã có đầu tư tốt cho y tế tuyến huyện và có sự kết nối thường xuyên với tuyến Trung ương nên đã cứu được nhiều nạn nhân của cơn bão số 3. Đại biểu khẳng định đây là mô hình tốt cần nhân rộng về đầu tư cho y tế cơ sở.

ttxvn_dai_bieu_quoc_hoi_chong_lang_phi_0611-3.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị cần tập trung trong việc tổ chức và triển khai thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự và các luật có liên quan để có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả, kịp thời, nhanh nhất có thể đối với những hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ tốt nhất cho người dân, cơ quan, tổ chức và cả nền kinh tế quốc dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cơn bão số 3 vừa qua cho thấy biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, qua đó cần có cách phòng tránh, xử lý các trường hợp do thiên tai gây ra ở mức độ cao hơn; cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến vấn đề này.

Trú tại khu phố Phú Ân (phường An Phú, Quảng Nam), cử tri Trần Minh Quang nhận định, nhiều vấn đề "nóng" về việc làm, chính sách xã hội đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trao đổi, trong đó có nội dung đang rất được quan tâm hiện nay là chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai trong hai cơn bão, lũ vừa qua.

Từ đó, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời đối với người dân cũng như các địa phương bị ảnh hưởng, như chính sách "khoanh vùng" cho các khách hàng vay vốn làm nông nghiệp, ngư nghiệp nhưng bị thiệt hại do thiên tai... đã góp phần làm an tâm cộng đồng doanh nghiệp, người dân vùng thiệt hại cũng như nhân dân cả nước.

Hoàng Thị Hoa