Đắk Nông chú trọng sức khỏe bà mẹ, trẻ em
Ngành Y tế Đắk Nông triển khai hiệu quả các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em cũng như giúp các mẹ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ CSSK.
Quan tâm sức khỏe mẹ và bé
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, hàng ngày, hàng tuần đều có các thai phụ đến khám theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai kỳ. Chị Nguyễn Thị Thắm, ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đang mang thai bé thứ 2 cho biết: “Lúc mang thai bé đầu tôi chưa biết đến vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh hay dinh dưỡng bà mẹ mang thai. Lần này, khi đến bệnh viện khám thai, tôi được bác sĩ tư vấn nên đã nắm rõ những việc quan trọng đối với phụ nữ mang thai”.
Chị Lê Na, ở phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa cho hay: "Tôi đang mang thai ở tháng thứ 3. Từ khi thai được 12 tuần tuổi, tôi đã đến khám theo đúng lịch hẹn của các bác sĩ để kiểm tra các mốc quan trọng trong suốt thai kỳ như: đo độ mờ da gáy, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ... Bên cạnh đó, các bác sĩ đã hướng dẫn cho tôi chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên bổ sung các vi chất để bảo đảm cho một thai kỳ khỏe mạnh cả mẹ và con".
1.000 ngày vàng của bé được tính kể từ thụ thai, mang thai, đến khi trẻ tròn hai tuổi. Trong quá trình này nếu tác động dinh dưỡng sớm, tích cực thông qua chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, trẻ sẽ có hệ miễn dịch tốt, phát huy hết tiềm năng trí lực. Khi trưởng thành, trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh.
Bà H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Bà H’Vinh Niê, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, 1.000 ngày vàng của bé được tính kể từ thụ thai, mang thai, đến khi trẻ tròn hai tuổi. Trong quá trình này nếu tác động dinh dưỡng sớm, tích cực thông qua chăm sóc sức khỏe mẹ và bé, trẻ sẽ có hệ miễn dịch tốt, phát huy hết tiềm năng trí lực. Khi trưởng thành, trẻ cao lớn, khỏe mạnh, thông minh. Đây còn là cơ hội có một không hai phòng ngừa sớm các bệnh mãn tính không lây, để cơ thể khỏe mạnh suốt đời.
Do đó, khi thai phụ đến khám và theo dõi thai kỳ, đội ngũ bác sĩ đều tư vấn, hướng dẫn kỹ lưỡng. Trong đó, chú trọng các nội dung để trẻ được phát triển toàn diện và khỏe mạnh, ngay từ khi mang thai, người mẹ cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, để bào thai đủ cân, khỏe mạnh, hoàn thiện đầy đủ các chức năng. Nếu không có chỉ định mổ đẻ, nên ưu tiên sinh thường . Cho trẻ bú sữa mẹ sớm trong một giờ sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng sơ sinh, kéo dài đến 2 tuổi càng tốt. "Cho trẻ bú mẹ rất quan trọng, nhằm củng cố hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thiết lập chức năng miễn dịch cơ thể chống lại bệnh tật", bà H’Vinh Niê khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các gia đình nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ khi tròn 6 tháng tuổi để giúp trẻ phát triển tốt. Thành phần bữa ăn dặm của trẻ cần có đầy đủ chất bột, đường (gạo, khoai lang); đạm động vật (trứng, thịt, tôm, cua, cá); dầu mỡ, rau củ quả tươi, tiếp tục bú mẹ và uống nước đủ.
Các mẹ cho trẻ ăn theo nguyên tắc ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng theo tuổi, thay đổi thức ăn hàng ngày, cho trẻ ăn nhiều món ăn khác nhau.
Nỗ lực của ngành Y tế
Những năm gần đây, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chú trọng CSSK sinh sản bản thân, nuôi con khoa học, bảo đảm dinh dưỡng. Những thói quen thiếu khoa học như: cho bé ăn dặm sớm thay vì bú sữa mẹ; cho bé ăn quá nhiều chất; sinh đẻ tại nhà... đã dần được loại bỏ. Từ đó, không ngừng cải thiện, nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Việc nâng cao nhận thức của người dân phải kể đến những nỗ lực của ngành Y tế trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách, chương trình CSSK bà mẹ, trẻ em đến cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở. Các trung tâm y tế đổi mới phương pháp truyền thông, lựa chọn hình thức phù hợp với từng hoạt động, từng địa phương như: tư vấn trực tiếp, thăm hộ gia đình, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Ngành Y tế quan tâm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng chăm sóc bà mẹ, trẻ em cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác CSSK sinh sản bà mẹ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Ngành tổ chức đào tạo và triển khai thực hiện chương trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay và sau sinh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và xã. Cụ thể, chú trọng cho trẻ sơ sinh được tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ, kẹp dây rốn muộn, hỗ trợ bú mẹ sớm.
Ngành Y tế quan tâm huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, đổi mới và đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều trang thiết bị hiện đại. Ngành Y tế tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ CSSK sinh sản tiến bộ, an toàn như: dự phòng và kiểm soát ung thư, nhiễm khuẩn đường sinh sản, loại trừ các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con. Hàng năm, ngành Y tế triển khai chiến dịch bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi định kỳ 2 lần/năm tại 71 xã, phường, thị trấn.