Chính trị

Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng luật về hoạt động từ thiện

Hiền Hạnh 04/11/2024 14:12

Vì là hành động khẩn trương để kịp thời hỗ trợ nên việc thành lập những đoàn cứu trợ thường thiếu tính chuyên nghiệp, đặt trong bối cảnh thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Nhiều vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đã được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) khẳng định tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn là đạo lý truyền thống quý báu, là tình cảm rất đáng trân trọng, song cứu trợ sao cho hiệu quả, an toàn và làm thế nào để hàng hóa cứu trợ đến được đúng người, đúng địa chỉ là vấn đề còn nhiều trăn trở.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, trong tình hình bão lũ phức tạp, vấn đề bảo quản thực phẩm, vận chuyển đến nơi an toàn, tránh lãng phí để giúp người dân vùng lũ đã khiến nhiều người băn khoăn.

ttxvn_dai bieu quoc hoi.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, vì là hành động khẩn trương để kịp thời hỗ trợ nên việc thành lập những đoàn cứu trợ thường thiếu tính chuyên nghiệp, đặt trong bối cảnh thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thì những người không có đủ kỹ năng, trang thiết bị cần thiết rất dễ gặp nguy hiểm, có thể làm phức tạp thêm quá trình cứu hộ của các lực lượng chuyên nghiệp.

"Đáng lên án là trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít những "con sâu làm rầu nồi canh," lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo..., kêu gọi quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Đã có thời điểm, việc làm từ thiện của một số nghệ sỹ bị dư luận nghi ngờ. Việc tổ chức quyên góp từ cộng đồng một cách nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm dẫn đến hệ quả là báo cáo thu chi sơ sài, không có hóa đơn chứng từ, gây tranh cãi, vướng vào nghi án "ăn chặn tiền từ thiện," đánh mất lòng tin nơi khán giả...," đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu thực tế.

Đặc biệt, mới đây Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc phân bổ, sử dụng các khoản tiền quyên góp.

Tuy nhiên, sau khi sao kê được công khai, nhiều cá nhân đã bị phát hiện lợi dụng sự kiện này để chỉnh sửa hình ảnh, "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi.

"Từ khóa "phông bạt" những ngày qua như một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng để ám chỉ về lối sống giả tạo, "làm màu," khoe mẽ; hệ lụy là không ít cá nhân đã trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. Những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng," đại biểu nhấn mạnh.

Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng vấn đề hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp cần phải được thực hiện cẩn trọng, chuyên nghiệp hơn dưới sự điều chỉnh của một văn bản pháp lý mang tính chuyên biệt.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề xuất Chính phủ tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi.

Việc áp dụng các chế tài pháp lý nghiêm ngặt không chỉ nhằm răn đe mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân, duy trì sự công bằng trong các hoạt động cứu trợ từ thiện.

Về lâu dài, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng, ban hành luật về tổ chức và hoạt động từ thiện vì đây là một lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống.

Các tác động và kết quả của nó sẽ không chỉ là sự đóng góp, chia sẻ về vật chất mà còn là sự phát huy và củng cố tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của.

ttxvn_nguyen thi yen.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng cần tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, nhất là các địa phương miền núi; chuẩn bị tốt hơn nữa trong công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai.

Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để nhanh chóng triển khai các nguồn lực hỗ trợ đến với người dân, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Hiền Hạnh