Mỗi nhân viên bảo vệ rừng ở Đắk Nông "gánh" hơn 600ha rừng
Lực lượng bảo vệ rừng (BVR) ở Đắk Nông phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm nhưng mức đãi ngộ thấp, đời sống gặp nhiều bấp bênh.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Đắk Nông ghi nhận 248 vụ vi phạm lâm luật. Trong số này, 151 vụ phá rừng làm thiệt hại hơn 33,3ha; 21 vụ khai thác gỗ với 27,7m3 gỗ các loại; 42 vụ vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy rừng…
So với cùng kỳ năm 2023, tổng số vụ vi phạm về rừng tăng 6 vụ (tương đương 2,5%). Riêng phá rừng nhiều hơn 24 vụ (tương đương 18,9%) và diện tích rừng bị phá tăng thêm gần 8,7ha (tương đương 35,3%).
Đắk Glong là địa bàn dẫn đầu trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện của Đắk Nông về số vụ phá rừng (74 vụ) và diện tích rừng bị phá (hơn 21,6ha).
Lâm phần của một số đơn vị có tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (15 vụ phá rừng, diện tích rừng bị phá gần 4,8ha); Công ty TNHH MTV Đắk N’tao (13 vụ, gần 1,3ha)…
Ngoài tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp, các khu vực trên còn xảy ra hành vi hành hung lực lượng BVR. Trong tháng 4/2024, một số cán bộ, nhân viên BVR của 2 công ty lâm nghiệp trên đã bị các đối tượng hành hung, dẫn đến phải nhập viện.
Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng đang quản lý, bảo vệ khoảng 200.000ha rừng và đất lâm nghiệp.
Dù quản lý khoảng 30% diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông nhưng các đơn vị này chỉ có hơn 300 người BVR chuyên trách. Bình quân, mỗi nhân viên BVR đang quản lý, bảo vệ hơn 600ha rừng và đất lâm nghiệp.
Hiện quyền hạn của lực lượng BVR khá hạn chế, chủ yếu chỉ ở bước thiết lập hồ sơ ban đầu, báo cáo cơ quan chức năng. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, manh động, hoạt động có tổ chức. Các đối tượng này sẵn sàng chống trả, tấn công người BVR khi bị phát hiện vi phạm.
Lực lượng BVR phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất (ở lại các trạm, chốt trong rừng, thiếu trang thiết bị sinh hoạt…) và thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm.
Thế nhưng, thu nhập bình quân chỉ từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Khi xảy ra xung đột hoặc các sự việc nguy hiểm, người BVR không được hưởng các chế độ, chính sách như lực lượng kiểm lâm.
Không chịu nổi áp lực, tình trạng người BVR nghỉ việc ngày càng nhiều. Theo thống kê của các chủ rừng tại Đắk Nông, từ năm 2016 tới nay, tại Đắk Nông đã có gần 400 người BVR xin nghỉ việc, chuyển công tác.
Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, để nâng cao hiệu quả trong BVR trên địa bàn, cần có chính sách đặc thù về thu nhập tăng thêm, ưu đãi thu hút nguồn nhân lực… Khi số lượng, chất lượng đội ngũ BVR được củng cố, duy trì thì công tác BVR mới có sự chuyển biến và bền vững.
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần đề nghị Trung ương có chính sách đặc thù đối với lực lượng BVR của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 10/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên tiếp tục có kiến nghị, đề xuất trên với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên mong Chính phủ xem xét, ban hành chính sách đặc thù, ưu đãi đối với lực lượng BVR. Bên cạnh đó, Trung ương xem xét ban hành cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng công ích cho các công ty lâm nghiệp và nâng mức hỗ trợ tối thiểu.
Có như vậy, các công ty lâm nghiệp mới có kinh phí để tuyển dụng lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, BVR có hiệu quả.