Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Đại biểu Quốc hội Đắk Nông góp ý dự án luật về phòng cháy, cứu hộ

Đ. Diệu 01/11/2024 17:33

Tham gia thảo luận về dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, vào sáng 1/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng cần quan tâm đến nguồn lực khi thực thi luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: Theo các năm, số lượng các vụ cháy lớn không ngừng gia tăng, đặc biệt đám cháy xảy ra khu dân cư đông người, càng nguy hiểm khi dễ dàng lan ra diện rộng mà khó thực hiện công tác chữa cháy. Hậu quả cháy, nổ gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kéo theo nhiều hệ lụy mà không chỉ bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thiệt hại trong đám cháy phải gánh chịu.

mAI 1-11
Đại biểu Dương Khắc Mai: Cần quan tâm đến vấn đề nguồn lực để thực hiện Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Có thể thấy, để xử lý, dập tắt đám cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia, trước mắt là nguồn chi từ ngân sách Nhà nước. Sau đó, tổ chức cấp cứu người bị nạn, việc huy động giúp đỡ người thiệt hại ổn định đời sống, kịp thời phục hồi sản xuất và hàng loạt vấn đề nhằm khắc phục hậu quả vụ cháy (như quy định tại Điều 29 dự thảo Luật) luôn đòi hỏi đến vấn đề về kinh phí. Nếu là đám cháy lớn như cháy rừng, cháy, nổ kho nguyên liệu thì mức độ ảnh hưởng sẽ là cấp số nhân đối với nền kinh tế địa phương, quốc gia. Do đó, tại khoản 1 Điều 2 về Giải thích từ ngữ cần bổ sung thành tố “kinh tế” vào hậu quả của “cháy” như sau:

“Cháy là phản ứng hóa học có tỏa nhiệt, phát ra ánh sáng hoặc khói, nếu không kiểm soát được sẽ gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại về người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự”.

Tương tự, đề nghị rà soát lại toàn văn dự thảo Luật để bổ sung thành tố “kinh tế” này, ví dụ tại khoản 1 Điều 13 về Các hành vi bị nghiêm cấm:

“Cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố hoặc kích động, xúi giục, dụ dỗ người khác gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường, an ninh, trật tự”.

Tại Điều 20 về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Điểm a khoản 2 Điều 20 quy định nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm “Không bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh”. Đề nghị cần xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình hợp lý vì chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn. Điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác và thực tiễn các gian hàng, ki ốt chợ hiện nay không đủ diện tích bố trí nơi mua bán và chỗ ngủ phân cách rõ ràng. Ngoài ra, cần tính toán đến vấn đề trong thực tế để quy định cho phù hợp bởi nhiều cơ sở kinh doanh đồng thời bố trí là phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình, người làm công tác bảo vệ thường nghỉ trưa, nghỉ lại qua đêm tại cơ sở kinh doanh, đánh giá thêm về số lượng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý cho phù hợp.

Theo dự thảo, thì việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trên địa bàn quản lý.

Đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực thi hành đã có quy định về giải pháp xử lý của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành và phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Các quy định này đã tạo sự chủ động cho địa phương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của các tỉnh. Tuy nhiên, để chính quyền địa phương triển khai, thực hiện tốt chính sách này, đại biểu Dương Khắc đề nghị quan tâm đến vấn đề nguồn lực để thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự hướng dẫn kịp thời của các bộ chuyên ngành để quy định mang tính khả thi, triển khai hiệu quả.

Đ. Diệu