Cần có phương án kỹ lưỡng hơn cho không gian phát triển TP. Huế
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần có phương án kỹ lưỡng hơn cho không gian phát triển khi TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Sáng 31/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Tham gia thảo luận về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng cần có phương án kỹ lưỡng hơn cho không gian phát triển.
Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, Thừa-Thiên Huế, đặc biệt thành phố - Cố đô Huế nói riêng là di sản cũng có rất nhiều những đặc điểm riêng biệt nhất về văn hóa, lịch sử với giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Việc thành lập thành phố trực thuộc trung ương là cơ sở để Thừa Thiên - Huế triển khai Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị tỉnh, Chương trình phát triển đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra một mô hình đô thị đặc trưng của Việt Nam. Đô thị đặc trưng về văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững. Là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á.
Tuy nhiên, với định hướng này cũng đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh. Nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn gìn giữ, bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà Cố Đô đang sở hữu. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế Trung Trung Bộ và cho đất nước.
Trong đó, thành phố Huế trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ; đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh chóng, gắn với nó là việc phát triển hạ tầng kinh tế xã hội và nhiều công việc khác phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích không nhỏ đất nông, lâm nghiệp.
Do đó, cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vì đây là những nhóm rừng rất đặc biệt nên cần chặt chẽ khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này.