Đắk Nông đa dạng hình thức dạy, học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà được Đắk Nông chú trọng thực hiện
Đa dạng việc dạy tiếng Việt
Tại Trường mầm non Hoạ Mi, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS luôn được chú trọng. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu phó Trường mầm non Hoạ Mi cho biết, hàng năm, trường đón khoảng 300 học sinh, trong đó 45% là trẻ em DTTS. Để hỗ trợ các em học tiếng Việt một cách tự nhiên, trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, làm đồ dùng, đồ chơi kèm theo ghi chú bằng tiếng Việt và tiếng M’nông.
Trường ưu tiên bố trí giáo viên người DTTS phụ trách các lớp có đông học sinh DTTS, giúp các em dễ dàng giao tiếp và làm quen với tiếng Việt.
Cô giáo H’Lang, giáo viên của trường chia sẻ: “Nhiều trẻ đến trường gần như không biết nói tiếng Việt nên giáo viên phải mất một thời gian dài vào đầu năm học để giúp các em làm quen, tiếp cận môi trường mới. Nhờ hiểu tiếng nên việc hỗ trợ tiếng Việt cho trẻ thuận lợi hơn. Giáo viên gần như phải lồng ghép vào tất cả trong giao tiếp hàng ngày từ hoạt động vui chơi, học cho đến ăn, ngủ của trẻ để các em có điều kiện luyện tiếng Việt hơn".
Năm học 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong có 1.300 học sinh các khối, lớp, trong đó có đến 96% là học sinh con em dân tộc thiểu số. Theo Hiệu trưởng Phan Thu Huyền, vì nhiều nguyên nhân, hàng năm luôn có khối lượng lớn học sinh khi bước vào lớp 1 chưa thông thạo tiếng Việt. Trường phải tổ chức từ 1 đến 2 “tuần 0” ngay trước khi bước vào chương trình học đầu năm.
Trong “tuần 0”, học sinh được làm quen với môi trường học tập mới, làm quen với thầy cô, bạn bè được chuẩn bị kĩ năng học tập cơ bản, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội và năng lực sử dụng tiếng Việt. Điều này vừa để cho học sinh ổn định nền nếp, làm quen với môi trường học tập mới, nhất là tăng cường tiếng Việt cho các em.
Mặc dù có nhiều nỗ lực và giải pháp triển khai tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Những trở ngại này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ.
Đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho đối tượng học sinh DTTS. Đi đôi với đó là thiếu các nguồn kinh phí hỗ trợ và chính sách cụ thể khi tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt vào đầu năm học.
Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của chương trình, dẫn đến việc nhiều học sinh DTTS khi vào lớp một vẫn chưa thành thạo tiếng Việt, gây khó khăn cho quá trình học tập và phát triển toàn diện.
Tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Việt
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông Lê Bá Cường, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh lớp 1 tựu trường trước ngày khai giảng 2 tuần, gọi là "tuần 0". Việc này nhằm tạo điều kiện để các em học sinh DTTS làm quen với môi trường học tập và nhất là hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Mỗi năm, Đắk Nông có khoảng 6.200 trẻ em người DTTS vào lớp 1, chiếm 37,6% tổng số học sinh. Trong số đó, 95% trẻ cần được dạy tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Thế nhưng, nhiều em vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với môi trường giao tiếp tiếng Việt ngoài nhà trường nên khả năng nghe, nói tiếng Việt còn hạn chế.
Một thực tế cho thấy, những hạn chế về kỹ năng giao tiếp và sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS khiến cho các em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức khi vào lớp 1. Tuy nhiên, thời gian học "tuần 0" không đủ để giúp các em phát triển hết các kỹ năng cần thiết, dẫn đến kết quả học tập, đặc biệt là môn tiếng Việt, chưa đạt yêu cầu. Hàng năm, Đắk Nông vẫn còn trên 10% học sinh DTTS không hoàn thành chương trình môn tiếng Việt.
Để bảo đảm việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS đạt hiệu quả cao hơn cần có sự hỗ trợ và chế độ chính sách cụ thể. Hiện nay, giáo viên tham gia giảng dạy trong "tuần 0" vẫn chưa được hưởng chế độ thù lao xứng đáng. Việc thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của giáo viên, dẫn đến công tác hỗ trợ học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Cường, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường hơn các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: câu lạc bộ tiếng Việt, hội thi giao lưu "Tiếng Việt của chúng em", các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao… Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh tăng cường kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt mà còn tạo môi trường học tập thân thiện, kích thích tinh thần học hỏi của các em.
Sở GD-ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp dạy tiếng Việt phù hợp với đặc điểm học sinh DTTS, giúp giáo viên nắm vững cách giảng dạy và truyền đạt kiến thức hiệu quả.
"Vừa qua, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết quy định về nhân sự và kinh phí để thực hiện việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS trước khi vào lớp một để trình các cấp thẩm quyền xem xét. Dự thảo này sẽ đưa ra các nội dung chi tiết về mức chi hỗ trợ cho giáo viên và kinh phí để tổ chức dạy học, giúp cho việc tăng cường tiếng Việt trở nên bền vững và hiệu quả hơn. Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua và triển khai đồng bộ, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Đắk Nông, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng thuận lợi và khó khăn", ông Cường thông tin.
Việc trang bị tốt kỹ năng tiếng Việt cho học sinh DTTS giúp các em tự tin hơn trong học tập và hòa nhập với môi trường giáo dục chính quy. Kết quả của việc tăng cường tiếng Việt không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh DTTS mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo ra nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cho tương lai.