Y tế - Sức khỏe

Y tế Đắk Nông nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa

Ngô Đồng 28/10/2024 09:19

Ngành Y tế Đắk Nông đã nỗ lực triển khai các giải pháp giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.

Giảm tải cho tuyến trên

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, chuyển đổi số trong y tế là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên. Một nội dung rất quan trọng là “Phát triển nền tảng để hỗ trợ người dân khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế tuyến trên, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận KCB từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đang nghe đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao giải thích công dụng của một số trang thiết bị máy móc hiện đại được đầu tư tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra, lắng nghe đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao giải thích công dụng của một số trang thiết bị máy móc hiện đại được đầu tư tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Tại Đắk Nông, mô hình “bệnh viện vệ tinh” được xem là bước khởi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và đạt nhiều kết quả khả quan. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trên cơ sở là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học nên năng lực cung cấp dịch vụ KCB được nâng cao.

Theo ông Trần Duy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, qua thực tiễn cho thấy, việc triển khai mô hình “Bệnh viện vệ tinh” đã giúp bệnh viện tuyến dưới đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, phát huy được năng lực sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư. Vì vậy, bệnh viện không những nâng cao năng lực KCB tại chỗ mà còn có thể nhận tư vấn KCB từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Người dân giảm thiểu được nhiều chi phí khi KCB và có cơ hội được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tuyến dưới trong tỉnh còn được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB và sự hài lòng của người dân nông thôn.

_dsc6127.jpg
Hệ thống máy móc chạy thận hiện đại của TTYT huyện Đắk R’lấp

TTYT huyện Đắk R’lấp hiện đang có 8 máy chạy thận nhân tạo, với hơn 40 bệnh nhân/ngày, trung bình mỗi bệnh nhân chạy thận từ 2-3 lượt/tuần. Ông Đào Kim Nghiệp, Phó Giám đốc TTYT huyện Đắk R’lấp cho biết, từ khi triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo, bên cạnh đầu tư, mua sắm thiết bị hiện đại, trung tâm nhận được sự giúp đỡ rất nhiều về chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên thông qua tư vấn từ xa. Qua thời gian hoạt động, đến nay phòng chạy thận nhân tạo đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại trung tâm.

Theo Sở Y tế, hệ thống KCB của tỉnh Đắk Nông gồm 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 7 TTYT huyện và 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hiện nay, về phát triển chuyên môn kỹ thuật, trung bình các TTYT tuyến huyện và bệnh viện tỉnh thực hiện được từ 60-80% kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến của Bộ Y tế. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên môn cao.

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh, hiện tại, 100% các bệnh viện, TTYT đều có cán bộ chuyên ngành về công nghệ thông tin. Các cán bộ trong bệnh viện, TTYT đa số đều có chứng chỉ cơ bản về tin học văn phòng. 100% bệnh viện, TTYT đang sử dụng các phần mềm quản lý bệnh viện để KCB và thanh toán bảo hiểm y tế.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Theo ngành Y tế, trong thời gian qua, hệ thống cơ sở y tế, KCB trong toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các cơ sở KCB từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật từ cơ bản đến chất lượng cao.

Khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, góp phần cứu chữa được nhiều ca bệnh nặng, hạn chế phải chuyển lên tuyến trên khám và điều trị. Đây cũng là cơ sở để ngành Y tế tỉnh tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số mà cụ thể là nâng cao hiệu quả KCB từ xa.

Bác sĩ Thương tận tình hướng dẫn sử dụng máy móc cho các điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông
Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đào tạo chuyên sâu ngày càng cao

Theo đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB các tuyến, giúp người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao, Sở Y tế Đắk Nông đã xây dựng Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2024.

Đề án gồm các nội dung: tư vấn y tế; tổ chức hội chẩn tư vấn KCB; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh; hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh; hội chẩn tư vấn phẫu thuật; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới, cho tới TTYT tuyến huyện, trạm y tế xã qua các ứng dụng cộng nghệ thông tin.

Các nội dung của đề án khám, chữa bệnh từ xa được xem là có bước tiến mới so với trước nhằm khai thác, phát huy vai trò của công tác chuyển đổi số trong triển khai KCB từ xa.

bà Liễu Y tế 3333

Bà Võ Thị Ái Liễu, Giám đốc Sở Y tế cho rằng đề án khám, chữa bệnh từ xa là hết sức cần thiết trong giai đoạn triển khai số hóa ngành Y tế theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Y tế và nhu cầu công tác KCB thực tế của địa phương. Đề án hướng đến nâng cao chất lượng KCB và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tại địa phương. Không những giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đề án khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Ngô Đồng