Kinh tế

Đắk Nông đa dạng hóa ngành nghề đào tạo cho lao động

Phan Thanh Nga 25/10/2024 10:35

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ, Đắk Nông đang đa dạng hóa ngành nghề đào tạo cho lao động để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đa dạng hóa đào tạo lao động

Đắk Nông có 15 cơ sở, đơn vị có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, 6 cơ sở GDNN gồm: Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông; Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam; 4 trung tâm đào tạo lái xe ô tô.

Ngoài ra, tỉnh còn có 9 đơn vị có chức năng hoạt động GDNN, trong đó chủ yếu đào tạo lao động ở trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

1-1-.jpg
Lao động của Đắk Nông được định hướng đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm

Hàng năm, các cơ sở GDNN của Đắk Nông tuyển sinh khoảng 5.000 - 6.000 người trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Lĩnh vực đào tạo nghề đa dạng cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Về cơ cấu ngành nghề đào tạo các trường công lập đào tạo đủ các nhóm nghề như nông nghiệp, dịch vụ, kỹ thuật và công nghiệp.

Các đơn vị ngoài công lập chủ yếu đào tạo các nghề dịch vụ như: kế toán, ngoại ngữ, tin học… phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Từ năm 2021 đến nay, Đắk Nông có 26.032 người được đào tạo nghề. Ước tính giai đoạn 2021-2025, tỉnh đào tạo nghề cho 27.167 người, vượt 36% kế hoạch; tạo việc làm cho 94.283 lượt người, vượt 5% kế hoạch.

Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông đánh giá: "Mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh cơ bản tinh gọn, hoàn thiện, phủ khắp các huyện, thành phố. Các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng, đa dạng hóa ngành, nghề và trình độ, loại hình đào tạo… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh".

Nhiều năm qua, Đắk Nông luôn chú trọng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo để đáp ứng thị trường lao động. Khảo sát nhu cầu học nghề đóng vai trò quan trọng trong, giúp Đắk Nông xác định các ngành nghề cần thiết cho thị trường lao động.

Qua đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ sở GDNN cũng được yêu cầu kiểm soát các nghề có đủ điều kiện giảng dạy, từ đó báo cáo năng lực và nhu cầu đào tạo của mình.

img_0740(1).jpg
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo ở Đắk Nông

Các cơ sở GDNN chủ động xây dựng, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông được phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm cho 4 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia trình độ trung cấp, cao đẳng là: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, quản trị khách sạn, điều dưỡng.

Các cơ sở GDNN của Đắk Nông tăng cường gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động. Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết: “Hầu hết các cơ sở GDNN đều có mối quan hệ liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề nghiệp. Các cơ sở GDNN kết hợp giới thiệu cho doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp”.

Tỷ lệ lao động Đắk Nông qua đào tạo có việc làm đạt từ 80 - 85%. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm trên 90%. Lao động nông thôn có việc làm đạt từ 75 - 80%; đào tạo xã hội hóa 100%.

Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông

Chiến lược nâng cao chất lượng lao động

Đắk Nông đã hoàn thiện bộ giáo trình nghề trọng điểm về trồng cây công nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia.

Các ngành nghề gắn với tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: cơ khí hàn, xây dựng dân dụng, điện - điện lạnh, may công nghiệp, chăm sóc sức khỏe…

img_7414(1).jpg
Công nghệ ô tô là 1 trong 4 nghề mà Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông được phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông cho biết, tỉnh chú trọng gắn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề phải sát với nhu cầu học nghề của người lao động và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. "Đắk Nông ưu tiên tổ chức đào tạo nghề có sự liên kết 3 bên, giữa doanh nghiệp - cơ sở GDNN - người lao động", ông Nam cho hay.

Các cơ sở GDNN trước khi tổ chức lớp đào tạo nghề phải phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể để xác định các phương án tự tạo việc làm tại chỗ hoặc ký hợp đồng với các doanh nghiệp để tuyển dụng lao động.

O NAM MT
Đồ họa: Thanh Nga

Định hướng đến năm 2025, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông trở thành một cơ sở đào tạo nghề đa cấp, đa ngành, ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Trường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Trường mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn, ngang tầm với các trường trong khu vực Tây Nguyên.

3(1).jpg
Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan thực tế sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đắk Nông tích cực đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Các chiến lược về giáo dục nghề nghiệp và chương trình hỗ trợ tạo việc làm giúp tạo ra những cơ hội làm việc mới, nâng cao cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

Phan Thanh Nga