Thời sự Đắk Nông

Luật Đất đai năm 2024: Địa phương thêm quyền, thêm trách nhiệm

Đức Diệu 25/10/2024 09:43

Ngày 2/8/2024, Bộ TN-MT ban hành Công văn số 5169/BTNMT-ĐĐ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh. Đây là nội dung quan trọng để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ mục tiêu phát triển.

Ngoài việc quy định rõ danh mục các lĩnh vực thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh ban hành văn bản thi hành một số nội dung trong Luật Đất đai năm 2024, Bộ TN-MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản, để có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định số 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Công văn 5169 hướng dẫn rõ 18 điều, 21 khoản trong Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ thẩm quyền cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2024. Trong đó, một số thẩm quyền cơ bản như: Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; hạn mức giao đất nông nghiệp; chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; đất nông nghiệp do cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng; đất ở tại nông thôn, đô thị… và quy chế phối hợp thực thi Luật Đất đai giữa các đơn vị, địa phương liên quan.

Với nội dung và phạm vị khá lớn nên việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đất đai thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả, hiệu lực đưa luật vào thực tiễn tại từng địa phương.

A DUNG

Mặt khác, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, liên quan trực tiếp, giám tiếp đến mọi tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Chưa kể, việc thực thi đạo luật này còn liên quan đến hàng loạt luật khác như: tài nguyên-môi trường, khoáng sản, đấu giá… Chính vì thế, sự chủ động sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng dẫn tại Công văn 5169 là hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy nhanh lộ trình đưa luật vào cuộc sống. Ngược lại, việc ban hành các văn bản chậm, kém chất lượng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ở các lĩnh vực liên quan cũng như tiến độ, mục tiêu của Luật Đất đai 2024.

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Luật Đất đai năm 2024 phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Chưa kể việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tập huấn về giá đất cho cán bộ cấp huyện, đồng thời bố trí cán bộ, nguồn lực để chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quyết định giá đất cụ thể theo thẩm quyền được giao.

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai năm 2024 phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong việc bố trí quỹ đất thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai trên địa bàn.

Về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, Luật Đất đai năm 2024 giao UBND tỉnh quy định các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 cho phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua.

Trong quá trình thực thi luật, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành, HĐND, UBND cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hay ban hành mới, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy định Luật Đất đai.

Đức Diệu