Đời sống

Đắk Nông thông thoáng với quy định xây dựng trên đất nông nghiệp

Đặng Dương 25/10/2024 08:32

Đắk Nông vừa ban hành quy định xây dựng công trình trên đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2024 với những quy định thông thoáng, phù hợp.

Tạo thuận lợi cho người dân

Ngày 14/10/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký ban hành Quyết định số 29 quy định diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo quyết định này, khu đất có diện tích từ 500m2 - 300.000m2 được sử dụng một phần để xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích tối đa mà người dân được phép xây dựng là không quá 500m2 cho khu đất có diện tích trên 300.000m2.

img_0478.jpg
Quyết định số 29 của UBND tỉnh Đắk Nông đã tạo điều kiện cho người dân xây dựng công trình nhà tạm, nhà nghỉ, kho chứa... trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất

Ngoài ra, Quyết định số 29 cho phép trên cùng một khu đất, người dân được phép xây dựng nhiều công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng tổng diện tích không vượt quá quy định.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 và Quyết định số 29 của UBND tỉnh Đắk Nông đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp, phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Chung Huy, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Nô cho biết, là huyện thuần nông, người dân chủ yếu sinh sống, canh tác tại vườn rẫy nên nhu cầu xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà tạm, kho chứa vật tư nông nghiệp là rất lớn.

Trước đây do chưa có quy định rõ ràng về diện tích, loại hình công trình nên chính quyền địa phương gặp khó khăn trong quá trình quản lý, cấp phép.

Theo ông Huy, việc UBND tỉnh Đắk Nông quy định rõ ràng và hướng dẫn cụ thể về diện tích được phép xây dựng trên đất nông nghiệp đã đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo cơ sở trong công tác quản lý và cấp phép xây dựng ở địa phương.

“Người dân có nhu cầu xây dựng các công trình theo Quyết định số 29 của UBND tỉnh chỉ cần thông báo với UBND xã, thị trấn nơi có đất dự kiến xây dựng. Trong quá trình làm nhà nghỉ, lán, trại hoặc kho chứa, kho bảo quản… chính quyền địa phương sẽ thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định của người dân”, ông Nguyễn Chung Huy nói.

img_5840.jpg
Anh Vũ Văn Nghĩa phấn khởi vì Quyết định số 29 đã giúp anh triển khai xây dựng nhà trưng bày, sơ chế ca cao

Quyết định số 29 còn quy định, bên cạnh nhà nghỉ, lán, trại, khu sơ chế, bảo quản nông sản, kho chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động, người dân còn được phép xây dựng công trình để trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.

Quy định này tạo điều kiện cho hợp tác xã, hộ nông dân xây dựng một số công trình phục vụ phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch canh nông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản.

Anh Vũ Văn Nghĩa đang canh tác hơn 8ha ca cao tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô. Chia sẻ về kế hoạch sắp tới sau khi UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 29, anh Nghĩa cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch nên việc xây dựng khu sơ chế, khu trưng bày sản phẩm là cần thiết. Trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư để xây dựng nhà xưởng và khu trưng bày để du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm quy trình sản xuất ca cao và socola”.

Áp lực khâu quản lý

Sau hơn 2 tháng triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, tỉnh Đắk Nông ban hành một số quyết định quy định chi tiết thi hành, trong số này có Quyết định số 29.

Quyết định số 29 của UBND tỉnh đã giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân liên quan đến việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, quyết định này cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các trường hợp được cho phép xây dựng.

Một cán bộ lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho biết, triển khai Luật Đất đai năm 2024, một số tỉnh, thành quy định tỷ lệ diện tích công trình xây dựng tối đa là 0,1% trên tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không vượt quá 500m2. Đối với Đắk Nông, tỉnh quy định rõ ràng với từng diện tích cụ thể, từ đó tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

z5959031873613_3dbdd4f98e2c37d08117a796a2f6997b.jpg
Quyết định số 29 cũng đặt ra yêu cầu về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát

Tuy nhiên, theo cán bộ này, thực tế triển khai sẽ gặp những thách thức nhất định, nhất là công tác kiểm tra việc chấp hành quy định và xử lý các trường hợp xây dựng vượt diện tích, không đúng loại hình, kết cấu.

“Cán bộ địa chính, xây dựng tại các phường, xã, thị trấn rất mỏng, trong khi nhu cầu xây dựng của người dân là rất lớn. Một số địa phương, do diện tích tự nhiên lớn, vườn rẫy nằm xa khu dân cư, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm”, vị cán bộ này nói thêm.

Cùng chung nhận định, ông Đồng Văn Giáp, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Song cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất là việc giám sát và kiểm soát mục đích sử dụng đất.

“Khi người dân được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, sẽ có trường hợp lợi dụng để xây dựng các công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp, như nhà ở hoặc công trình thương mại. Điều này không chỉ vi phạm quy định mà còn làm thay đổi mục đích sử dụng đất, gây ảnh hưởng đến quy hoạch nông thôn và phát triển bền vững”, ông Giáp cho hay.

Liên quan đến Quyết định số 29, một lãnh đạo phường thuộc TP. Gia Nghĩa cho rằng, Đắk Nông chỉ quy định diện tích tối đa được xây dựng trên khu đất nông nghiệp nhưng không quy định số tầng, độ cao của công trình.

Bên cạnh đó, quy định sẽ làm phát sinh trường hợp người dân tách nhỏ khu đất để xây dựng nhiều công trình khác nhau. Điều này có thể dẫn đến những tình huống pháp lý gây tranh cãi, khó xử lý.

Theo quy định hiện nay, đối với khu đất có diện tích từ 500m2 trở lên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu khu đất rộng khoảng 2.000m2 thì sẽ xảy ra trường hợp chủ nhân khu đất sẽ tách thành 4 thửa đất khác nhau, từ đó xây dựng 4 công trình có diện tích 25m2/công trình.

"Nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả và quy định rõ ràng, việc xây dựng trên đất nông nghiệp có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát và ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch nông thôn", vị lãnh đạo nêu ví dụ.

Đặng Dương