Sản xuất nông-lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:22, 23/10/2024
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng lớn
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có diện tích sản xuất nông nghiệp đứng thứ hai cả nước, với tổng diện tích cây trồng khoảng 679.000 ha, trong đó diện tích cây trồng hằng năm đạt hơn 320.000 ha và cây lâu năm hơn 350.000 ha. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có nhiều diện tích cây trồng đứng đầu cả nước như cà-phê khoảng 212.000 ha; sầu riêng hơn 32.000 ha, ngô khoảng 90.000 ha; lúa gieo trồng hơn 115.000 ha/năm, đứng đầu khu vực Tây Nguyên;… Về lâm nghiệp, tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 497.235 ha rừng, gồm 411.930 ha rừng tự nhiên, 85.304 ha rừng trồng và 240.047 ha đất chưa có rừng, trong đó bao gồm cả 9.431 ha đã trồng chưa thành rừng. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38,04%.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Chí cho biết: Trong những năm gần đây, người dân Đắk Lắk đã thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống, xã hội. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa lớn bất thường đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều diện tích cây trồng, nhất là các cây trồng chủ lực như
cà-phê, hồ tiêu,... Thậm chí, cùng một thời điểm, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận cả hai hình thái thời tiết là mưa lũ và hạn hán. Điển hình cho kiểu thời tiết bất thường này là vào đầu tháng 8/2019, trong khi các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, Lắk phải trải qua đợt mưa lũ lớn thì tại huyện M’Drắk, Ea Kar lại diễn ra hạn hán kéo dài, gây thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng đợt mưa lũ và hạn hán đầu tháng 8/2019 đã làm 16.163 ha cây trồng các loại bị ngập úng, hơn 1.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, có những diện tích cây trồng bị cháy khô do không tìm được nguồn nước tưới, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngày càng xuất hiện những dấu hiệu bất thường của biến đổi khí hậu xảy ra đối với Đắk Lắk, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk cho biết: Người dân địa phương chủ yếu sản xuất lúa nước, tuy nhiên những năm gần đây biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Dễ thấy nhất là năm nào vào mùa mưa, mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt cả cánh đồng, còn vào mùa khô hạn thiếu nước tưới trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề, thậm chí nhiều năm cả cánh đồng hàng chục héc-ta bị mất trắng do thiên tai.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2014 đến 2023, các loại thiên tai trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, trong đó hạn hán gây thiệt hại 299.755 ha cây trồng các loại, gây thiệt hại gần bảy tỷ đồng; lốc tố, dông sét làm 16 người chết, 26 người bị thương, gây thiệt hại tài sản hơn 226 tỷ đồng; mưa lũ, ngập lụt làm 18 người chết, 27 người bị thương, giá trị thiệt hại tài sản hơn 4.200 tỷ đồng…
Với tình hình nêu trên, thực trạng sản xuất nông-lâm nghiệp ở Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, tìm ra các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu nói chung và trong lĩnh vực sản xuất nông- lâm nghiệp nói riêng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.
Sản xuất nông-lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo ông Nguyễn Minh Chí, trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với ngành nông-lâm nghiệp ngày càng lớn, tỉnh Đắk Lắk tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, phù hợp thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, kết hợp chặt chẽ sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường kiểm soát và phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả và triển khai các giải pháp tích cực để hạn chế ảnh hưởng của thiên tai, cùng với hệ thống thủy lợi từng bước được đầu tư hoàn thiện, góp phần tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ…
Nhờ vậy, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, tỉnh đã có 114 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hàng chục cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi; khoảng 150 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; khoảng 34 doanh nghiệp và 276 trang trại, gia trại và gần 16.000 hộ dân tham gia liên kết với doanh nghiệp… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đắk Lắk đã thúc đẩy, tạo điều kiện để các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Các mô hình kinh tế nông-lâm nghiệp đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Viện trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Nguyên (Trường đại học Đông Á) cho rằng: Đắk Lắk là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, trong đó có nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và có diện tích, sản lượng dẫn đầu cả nước như: Cà-phê, hồ tiêu, điều, cao su và các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ… Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cần hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp giảm phát thải CO2; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; mở rộng diện tích trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng, chuyển dịch nền kinh tế sang sản xuất xanh… để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về lâu dài, tỉnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh thu hút thêm nhiều chương trình hỗ trợ người dân thích ứng tốt hơn trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như áp dụng sản xuất nông-lâm nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; rà soát, hỗ trợ giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng trong chuỗi cung ứng, trong đó ưu tiên phát triển cây lâm sản ngoài gỗ; phát triển các hoạt động sinh kế nông-lâm kết hợp… Xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh cần tăng cường các nguồn lực tập trung quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu ■