Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Cân nhắc khi đưa ra các quy định cho người chưa thành niên

Đ. Diệu 23/10/2024 17:48

ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng cho rằng để tránh gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của người chưa thành niên, dự thảo đã đưa ra quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn, tránh bị kỳ thị.

Tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thống nhất việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, dự thảo cần cân nhắc ở một số quy định để bảo đảm tính nhân văn, hiệu quả thực thi pháp luật.

Toàn 23
Toàn cảnh phiên thảo luận tập trung tại hội trường ngày 23

Cụ thể, về thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quy định tại Điều 51 của dự thảo đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng như: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác; tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Các biện pháp này nhằm giúp người phạm tội nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình với cộng đồng, với những người xung quanh, thúc đẩy quá trình hòa nhập xã hội và có thể hạn chế việc tái phạm. Bên cạnh đó, một số nước cũng đã áp dụng biện pháp này.

Hằng 23
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Để tránh gây mặc cảm, tác động xấu đến tâm lý của người chưa thành niên, dự thảo đã đưa ra quy định việc tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn và tránh bị kỳ thị.

Tuy nhiên, trong thực tiễn của đời sống xã hội, dân số sinh sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ lớn. Các phong tục, tập quán, truyền thống, hương ước, quy ước điều chỉnh cơ bản đến các ứng xử của người dân. Trong khi đó, người chưa thành niên đang ở độ tuổi nhạy cảm từ thể chất đến tâm lý, cảm xúc. Do vậy, hết sức cân nhắc khi đưa ra các quy định thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng như đã nêu ở trên, vì có thể tác động tiêu cực đến người chưa thành niên, không thể tránh được kỳ thị trong gia đình, xã hội.

Ban soạn thảo nghiên cứu việc người chưa thành niên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt, bởi việc hỗ trợ những đối tượng này cần những người đủ kiên nhẫn, hiểu biết cơ bản về nhu cầu, tâm lý người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt. Do đó, cần cân nhắc quy định này.

Tại Điều 55 của dự thảo về xây dựng báo cáo điều tra xã hội quy định thời hạn hoàn thành báo cáo điều tra xã hội và gửi cho cơ quan có yêu cầu là 7 ngày. Thời hạn này chưa thật sự phù hợp do phải thực hiện nhiều nội dung liên quan đến yếu tố chuyên môn, như: mức độ trưởng thành của người chưa thành niên, tình trạng sức khỏe của người chưa thành niên. Tình hình học tập hoặc một số nội dung khác cần thời gian như: người vi phạm chuyển nhiều nơi cư trú khác nhau, việc đánh giá các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.

Do đó, đại biểu Hằng đề nghị nghiên cứu tăng thời gian hoàn thành báo cáo điều tra xã hội của người làm công tác xã hội để nội dung được hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhất cho quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Tại Điều 113 của dự thảo quy định về “Mức phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định”. Đề nghị rà soát, bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Theo đó, mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định, không có quy định phạt tiền đối với nhóm đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trong khi mục đích xây dựng luật này là nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho đối tượng vị thành niên chứ không phải tăng nghĩa vụ cho đối tượng này.

Đ. Diệu