80% vốn khắc phục thiên tai ở Đắk Nông chưa được giải ngân
Đắk Nông mới giải ngân gần 20% kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai và tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ.
Chiều 23/10, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở gây ra trong năm 2023 trên địa bàn Đắk Nông.
Đến 21/10/2024, Đắk Nông có 31 dự án đang thi công và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Tổng kinh phí đã giải ngân của các dự án, công trình trên 45,4 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch vốn bố trí.
Kết quả giải ngân đạt thấp do nhiều nguyên nhân. Trước hết, do thời tiết những tháng vừa qua mưa lớn, kéo dài, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các công việc.
Quá trình vận động các hộ dân hiến đất tại một số dự án khắc phục sự cố, hậu quả thiên tai gặp khó khăn. Việc báo cáo định kỳ kết quả thực hiện của một số đơn vị, chủ đầu tư chưa bảo đảm thời gian quy định.
Liên quan đến khó khăn giải ngân vốn, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Đinh Ngọc Nhân cho biết, quá trình triển khai, huyện gặp khó về giải phóng mặt bằng.
“Dự án tỉnh lộ 1, xã Quảng Trực chiếm kinh phí phân bổ khoảng 90 tỷ đồng. Hiện dự án đang vướng giải phóng mặt bằng của 25 hộ. Trong đó, có 2 hộ có nhà ở kiên cố. Chúng tôi đã, đang có hướng giải quyết, phấn đấu giải ngân hết vốn trong năm 2024”, ông Nhân cho biết.
Về tiến độ giải ngân vốn, ông Lê Trung Kiên, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho hay, công trình đang nhiều, thời gian còn lại ít.
Do đó, các chủ đầu tư tập trung hết cỡ đẩy nhanh khối lượng, giải ngân nguồn vốn. Các địa phương hoàn thành các thủ tục đầu tư, hồ sơ liên quan các dự án.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2024 rất ít, thời tiết đang vào mùa khô, các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ thi công.
Đến hết 31/12/2024, địa phương, chủ đầu tư nào không giải ngân hết, trả vốn về Trung ương thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Đối với những dự án vướng ít, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, có khối lượng, giải ngân ngay. Cùng với tiến độ, chất lượng công trình, dự án cần được kiểm soát chặt chẽ.
Về giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư tuyên truyền, vận động người dân. Làm sao để bà con hiểu được mức độ quan trọng của việc khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn công trình, an toàn cho người dân.
“Chủ đầu tư linh hoạt trong vấn đề chỉ đạo ,điều hành. Việc chuẩn bị nhân vật lực để thực hiện dự án cần chú trọng. Công tác giám sát nâng cao trách nhiệm thực hiện công trình, dự án phải được đẩy mạnh, hạn chế đến mức thấp nhất nguồn vốn trả về Trung ương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.