Nhà đầu tư nước ngoài có được kinh doanh dịch vụ cầm đồ?
Chính sách - Ngày đăng : 15:29, 23/10/2024
Theo phản ánh của bà Hoàng Chi (Hà Nội), hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định: "Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố".
Dịch vụ cầm đồ có phát sinh hoạt động cho vay tiền, tương ứng với hoạt động "cho vay dưới tất cả các hình thức" nằm trong mô tả của phân ngành "dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác" theo bản tập hợp các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành nghề "Bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán" được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư.
Tuy nhiên, đối với phân ngành "dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác", bản tập hợp điều kiện chỉ liệt kê các điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến hoạt động hiện diện thương mại, tham gia cổ phần tại các tổ chức tín dụng (ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính,..) theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam được liệt kê làm căn cứ pháp lý cho các điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường nêu trên cũng là các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó không bao gồm Nghị định số 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự được điều chỉnh bởi Nghị định số 96/2016/NĐ-CP và các luật khác, mà không phải Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần đáp ứng các điều kiện về an ninh, trật tự để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trước khi hoạt động kinh doanh; ngoài ra không có điều kiện hay hạn chế nào khác đối với việc đầu tư kinh doanh ngành nghề này nói chung, cũng như đối với nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.
Như vậy, bà Chi hiểu dịch vụ cầm đồ không thuộc ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
Theo đó, căn cứ Khoản 1 và Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tiếp cận thị trường đối với ngành nghề kinh doanh cầm đồ như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Bà Chi hỏi, bà hiểu như vậy có đúng hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Ngành, nghề đầu tư "kinh doanh dịch vụ cầm đồ" thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có 5 điều kiện quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020.
Dịch vụ cầm đồ không thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Điều 17 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Đồng thời, đề nghị tuân thủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo.
Chinhphu.vn