Đắk Nông lạc quan hướng tới trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
Đắk Nông đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia vào năm 2030 và tỉnh đang tự tin trên đường hoàn thành mục tiêu này.
Tạo nền tảng vững chắc
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Bám sát nhiệm vụ này, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đắk Nông tập trung các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp nhôm phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Những năm qua, Đắk Nông đã nổi lên như một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam. Với nguồn tài nguyên bô xít khổng lồ cùng những dự án công nghiệp trọng điểm, tỉnh đặt ra tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia.
Đắk Nông hiện đang sở hữu một trong những mỏ bô xít lớn nhất Việt Nam, với tổng trữ lượng ước tính hơn 5,4 tỷ tấn, chiếm gần 60% tổng trữ lượng bô xít của cả nước.
Đây là nguồn tài nguyên chiến lược, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn là nền tảng để xuất khẩu nhôm, thúc đẩy kinh tế của tỉnh và quốc gia.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TN-MT vào ngày 12/3/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười cho biết, với trữ lượng bô xít dồi dào, Đắk Nông có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp nhôm. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của tỉnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Cụ thể, tài nguyên bô xít của tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong... Đặc biệt, khu vực xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp đã trở thành trung tâm khai thác và chế biến nhôm quan trọng nhất của tỉnh, với các dự án alumin lớn đã và đang được triển khai.
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là đơn vị chủ chốt trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm tại tỉnh nhiều năm qua. Nhà máy Alumin Nhân Cơ, với công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và liên tục đạt hiệu quả sản xuất cao.
Sản phẩm alumin của công ty được đánh giá cao về chất lượng tại những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE… Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã hiện đã tạo được nền tảng cho ngành công nghiệp bô xít - alumin – nhôm.
Sản lượng alumin của Công ty Nhôm Đắk Nông năm năm 2023 đạt hơn 712.000 tấn; doanh thu của công ty đạt 3.690 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Công ty Nhôm Đắk Nông
Không dừng lại ở đó, Đắk Nông đang triển khai dự án mở rộng Nhà máy Alumin Nhân Cơ giai đoạn 2, nâng công suất lên 1,3 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, dự án này không chỉ tăng cường năng lực sản xuất alumin - nhôm mà còn tạo ra thêm hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương. Dự án kỳ vọng đóng góp lớn hơn cho ngân sách Nhà nước.
Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167 ngày 1/11/2007 (gọi tắt là Quy hoạch 167), diện tích quy hoạch bô xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của Đắk Nông.
Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tiến hành thăm dò tại 9 khu vực mỏ. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thẩm định, phê duyệt diện tích thăm dò bô xít ở Đắk Nông là 158.540ha, trữ lượng và tài nguyên tinh quặng là hơn 992 triệu tấn.
Phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia, Đắk Nông không chỉ tập trung vào sản xuất, mà còn chú trọng phát triển công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
Đắk Nông đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong khai thác, chế biến alumin, luyện nhôm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: Đắk Nông phát triển ngành công nghiệp nhôm theo hướng bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Các dự án công nghiệp tại Đắk Nông phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, đồng thời áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại để tái chế và tái sử dụng các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp nhôm là xử lý bùn đỏ – sản phẩm phụ của quá trình sản xuất alumin. Hiện tại, Đắk Nông đang triển khai các giải pháp tái chế bùn đỏ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, việc tái chế bùn đỏ không chỉ giúp giảm tải cho các bãi thải mà còn có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị như gạch không nung hoặc vật liệu xây dựng.
Ngoài nguồn tài nguyên và công nghệ, hạ tầng cơ sở cũng là yếu tố then chốt quyết định thành công của Đắk Nông trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm.
Hiện tại, tỉnh Đắk Nông đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải và năng lượng, nhằm bảo đảm khả năng vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm nhôm thuận tiện, hiệu quả hơn. Đắk Nông đã đề xuất nâng cấp tuyến đường nối khu vực khai thác bô xít với các cảng biển và khu công nghiệp lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nhôm ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời cũng đang được tỉnh khuyến khích phát triển nhằm bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định, bền vững cho các nhà máy nhôm.
Mặc dù Đắk Nông đang đi đúng hướng trong việc phát triển ngành công nghiệp nhôm, nhưng tỉnh vẫn phải đối mặt với một số thách thức lớn.
Thứ nhất, việc bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và chế biến bô xít vẫn là một vấn đề tỉnh cần được giải quyết. Sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là bài toán mà tỉnh và các doanh nghiệp tại Đắk Nông cần tính toán kỹ.
Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành các nhà máy nhôm cũng là một vấn đề mà Đắk Nông cần chú trọng.
Hiện tại, tỉnh đang hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp nhôm.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Đắk Nông đang có cơ hội lớn để trở thành trung tâm công nghiệp nhôm hàng đầu quốc gia.
Theo các chuyên gia, khi các dự án công nghiệp nhôm hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, Đắk Nông sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không chỉ trong lĩnh vực khai khoáng mà còn trong các ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến sâu.
Ngày 1/7/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Đắk Nông và chỉ đạo, tỉnh cần chú trọng thúc đẩy dự án liên hợp khai thác bô xít – alumin - nhôm theo đúng tinh thần Kết luận số 31-KL/TW, ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị. Đây chính là cơ hội để Đắk Nông thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu.